Tối 11/8, bên lề họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn trả lời báo chí về quyết tâm dập dịch tại TP HCM và các tỉnh phía Nam; kế hoạch phân bổ vaccine cho các địa phương; tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.
- Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng chống Covid-19 đặt mục tiêu TP HCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước 15/9; Bình Dương, Long An, Đồng Nai trước 1/9; các tỉnh, thành khác trước 25/8. Những mục tiêu này dựa trên cơ sở nào, thưa ông?
- Quyết tâm của Chính phủ dựa trên đề xuất của Bộ Y tế. Chúng tôi đề xuất dựa trên tình hình hiện tại về tỷ lệ mắc cũng như công tác phòng chống dịch của các tỉnh, thành, với sự hỗ trợ của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, Bộ Y tế và toàn bộ hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương.
Hiện tại TP HCM và một số tỉnh phía Nam tỷ lệ mắc đang có xu hướng đi ngang. Tôi hy vọng dịch bệnh tại TP HCM sẽ được kiểm soát tốt hơn nếu thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 và đồng bộ các giải pháp. Các vùng đỏ (nguy cơ rất cao), vùng cam (nguy cơ cao), vùng vàng (nguy cơ)... càng cần thực hiện nghiêm. Vùng xanh (an toàn) phải được bảo vệ chặt.
Vùng đỏ, cam, vàng có chiến lược xét nghiệm linh hoạt, phù hợp, khi nào dùng test nhanh kháng nguyên, khi nào dùng PCR, để nhanh nhất, hợp lý nhất tách F0 khỏi cộng đồng, từng bước xanh hóa các vùng này.
Việc chăm sóc F0, tôi nhấn mạnh là các địa phương cần đảm bảo phân loại và điều trị theo đúng tầng mà Bộ Y tế hướng dẫn. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng, hạn chế tối đa việc quá tải ở tầng thứ ba và ca tử vong.
Bộ Y tế đã cử hơn 11.000 cán bộ, nhân viên y tế, sinh viên trường y vào hỗ trợ TP HCM và các tỉnh phía Nam. Vì vậy, các địa phương này không đơn độc chống dịch mà có sự hỗ trợ của rất nhiều đơn vị.
Những giải pháp này cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, ý thức người dân tốt hơn, chấp hành quy định phòng chống dịch nghiêm hơn, thì dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong thời gian sớm nhất.
- TP HCM đang có năng lực tiêm chủng rất lớn, mỗi ngày đạt hàng trăm nghìn liều, có thể bao phủ tất cả dân số trên 18 tuổi trong tháng 8. Bộ Y tế có kế hoạch phân bổ vaccine như thế nào để thành phố đạt mục tiêu này?
- Bộ Y tế phân bổ vaccine dựa trên số ca nhiễm nCoV của từng địa phương. Hiện TP HCM có số lượng ca nhiễm và tỷ lệ nhiễm cao nhất cả nước nên đương nhiên được ưu tiên phân bổ vaccine.
Ngoài ra, việc phân bổ vaccine còn dựa vào tiêu chí khác, như theo dân số, mật độ dân, tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp. Chúng tôi sẽ cố gắng hài hòa, hợp lý nhất và mong sớm có đủ vaccine để đỡ áp lực trong việc phân bổ.
Đến nay Việt Nam đã tiêm được 11,4 triệu liều vaccine trong tổng số 18 triệu liều nhận được. TP HCM được cấp hơn 4 triệu liều, hiện đã tiêm được gần 3,6 triệu. Hôm nay và ngày mai, TP HCM sẽ tiêm hết số vaccine được cấp và tiếp tục tiêm các loại vaccine hiện có, như Sinopharm.
Hà Nội được cấp hơn 2,9 triệu liều vaccine, đã tiêm được 1,5 triệu liều, chiếm hơn 50%. Những ngày tới, Hà Nội sẽ tăng tốc tiêm.
- Ông đánh giá thế nào về tiến độ bao phủ vaccine Covid-19 của Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới?
- So với các nước phát triển, tiến độ tiêm vaccine Covid-19 của Việt Nam không bằng. Tiến độ nhập và tiêm vaccine chưa đạt được như kỳ vọng, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức.
Phải khẳng định một lần nữa, việc khởi động, đàm phán, mua vaccine đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng chỉ đạo rất sát sao. Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, cả hệ thống chính trị, các bộ trưởng, doanh nghiệp đều hỗ trợ Bộ Y tế trong việc đàm phán, nhập vaccine.
Việt Nam đã vào cuộc rất sớm, nhưng nhu cầu vaccine trên thế giới quá lớn, nguồn cung lại rất hạn chế. Tôi cho rằng, để đạt được độ bao phủ vaccine như hiện nay là sự cố gắng rất lớn của ngành y tế, các đơn vị, người dân.
Về đề xuất tiêm vaccine dịch vụ là hợp lý, nhưng cần cân nhắc thời điểm phù hợp. Hiện nay chúng ta chưa có nhiều vaccine, khi nào đủ thì Bộ Y tế sẽ cân nhắc, xem xét việc tiêm dịch vụ.
- Tiến độ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước hiện nay ra sao?
- Theo Nghị quyết mới đây của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, vaccine và thuốc, chưa hoàn tất thử nghiệm lâm sàng, nhưng có kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn ba, nếu có hiệu quả, sinh miễn dịch cao, an toàn thì sẽ được xem xét cấp phép. Việc cấp phép dựa trên ý kiến tư vấn của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học và Hội đồng tư vấn cấp giấy phép đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine.
Vaccine có triển vọng nhất hiện nay là Nanocovax do Công ty Cổ phần Sinh học dược Nanogen nghiên cứu, phát triển, với một liệu trình hai liều tiêm. Ngày 7/8, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học đã nghiệm thu kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một và giữa giai đoạn hai, cho thấy bước đầu an toàn, có sinh miễn dịch tương đối. Dựa trên kết quả này, hội đồng cho phép tiếp tục thực hiện thử nghiệm giai đoạn ba. Các giai đoạn thử nghiệm được gối đầu, để đảm bảo sớm hoàn thiện việc nghiên cứu. Tinh thần là nghiên cứu khẩn trương, nhanh chóng nhưng phải đảm bảo khoa học, chặt chẽ, để Việt Nam sớm có vacicne an toàn, hiệu quả.
Sang tuần tới, dự kiến Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học tiếp tục nghiệm thu kết quả thử nghiệm giữa giai đoạn ba vaccine Nanocovax. Nếu an toàn, tính sinh miễn dịch cao, đạt hiệu quả bảo vệ thì chúng tôi sẽ đề xuất cấp phép trong tình trạng khẩn cấp. Việc cấp phép Nanocovax vào cuối năm 2021 là hoàn toàn khả thi.
- Ngoài Nanocovax, các vaccine khác có triển vọng như thế nào?
- Vaccine trong nước thứ hai là Covivac, của Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), đang ở giai đoạn một thử nghiệm lâm sàng. Dự kiến trong năm nay, Covivac sẽ hoàn tất thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai và ba.
Vaccine thứ ba là ARCT-154, của Tập đoàn Vingroup thông qua thành viên là Công ty Cổ phần công nghệ Sinh học VinBioCare, mua của Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Mỹ. ARCT-154 được phát triển trên công nghệ mRNA (vaccine Pfizer và Moderna sử dụng công nghệ này). Dự kiến 15/8, ARCT-154 bắt đầu thử nghiệm lâm sàng, nếu thuận lợi thì trong năm nay cũng sẽ hoàn tất các giai đoạn.
Với ba vaccine nêu trên, chắc chắn cuối năm 2021, đầu năm 2022, Việt Nam sẽ tự chủ được vaccine Covid-19.
Việt Nam cũng hợp tác với Nhật Bản, Cu Ba để chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Bộ Y tế đang đàm phán với nhiều đối tác khác, trong đó có Đức, Tây Ban Nha để có vaccine nhiều nhất, sớm nhất.