Ngay sau khi có thông tin về việc bán tiền đồ chơi là vi phạm pháp luật, nhiều cửa hàng trên các phố lớn như Kim Mã, Lương Văn Can... đã không còn bày biện công khai loại tiền này. Thấy khách hàng "hỏi nhỏ" với ngụ ý muốn mua số lượng lớn, chủ cửa hàng trên phố Kim Mã mắt trước mắt sau đon đả: "Mua ít thì có. Nếu muốn lấy nhiều, sáng mai quay lại nhé. Bị cấm nên chúng tôi không dám để nhiều ở đây". Khi trao "tiền", chủ cửa hàng cẩn thận đặt những tấm đề can lên trên để che lấp.
Còn trong các ngõ nhỏ như Quan Thổ, Nguyễn Khang, Núi Trúc... gần trường học, những loại tiền mệnh giá từ 10.000 đến 500.000 đồng vẫn được bày bán công khai. Hầu hết những loại tiền này chỉ bằng khoảng một phần tư tiền thật nhưng có màu sắc và "nét" như tiền thật.
![]() |
Tiền đồ chơi còn được dùng làm móc chìa khóa. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo một chị chủ cửa hàng bán đồ chơi trên phố Núi Trúc, loại tiền này được nhập từ Trung Quốc, in màu trên giấy A3, A0 thành từng dãy sau đó đem cắt bán ra thị trường. Trẻ em thích mua vì trông chúng sặc sỡ sắc màu giống như tiền thật. Tiền đồ chơi có thể in trên bìa cát tông cứng, sau đó ép plastic để giữ lâu hoặc được in trực tiếp trên foocmica.
Giá bán của tiền đồ chơi không phụ thuộc mệnh giá mà phụ thuộc chất liệu của tiền. Tiền in trên bìa cát tông có giá trung bình 200 đồng mỗi tờ. Tiền đã qua ép plastic có giá cao hơn, khoảng 1.000 đồng. Riêng tiền in trên foocmica có giá từ 1.500 đến 2.000 đồng.
Loại tiền này chủ yếu dùng để cho trẻ em chơi. Tuy nhiên, nhiều người lớn cũng thích thú mua làm kỷ niệm hoặc làm đồ sưu tập vì trông rất giống tiền thật. Ngoài ra, tiền đồ chơi còn được in thành móc chìa khóa với 3 mệnh giá 100.000, 200.000 và 500.000 đồng.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực in ấn, tiền giả được in ấn theo công nghệ offset nhằm tạo ra độ sắc nét cao. "Đây là phương pháp in phẳng, các con chữ và hình ảnh trên bản in có tính quang hóa để tạo ra các phần tử in bắt mực và phần tử không in sẽ bắt nước nên trông không khác tiền thật là mấy. Sờ loại tiền này sẽ không thấy thô ráp mà rất trơn nhẵn và mát tay", vị chuyên gia này cho biết.
Ông Trịnh Văn Ngọc, Chi cục trưởng Cục quản lý thị trường Hà Nội cho hay, tiền đồ chơi cho trẻ em là một vấn đề mới, phải xem xét, nghiên cứu kỹ càng. "Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ sau khi mọi việc sáng tỏ, sẽ xin ý kiến chung của toàn thành phố để xử lý", ông Ngọc nói.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Tất Huynh, Phó cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ, Ngân hàng Nhà Nước cho biết, ngày 17/4 vừa qua, Cục Quản lý Thị trường và các Bộ ngành liên quan đã họp bàn về vấn đề tiền giả làm đồ chơi trẻ em và kết luận do không có giá trị thanh toán nên đây là tiền đồ chơi, không phải tiền giả.
Nhưng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam, việc sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước là hành vi bị nghiêm cấm. Do vậy, mọi hành vi in ấn, kinh doanh loại tiền này trên thị trường đều là trái pháp luật.
Theo ông Huynh, có thể chính người tiêu thụ và bán loại tiền đồ chơi này không biết đó là hành vi vi phạm pháp luật. Bởi vậy, điều cốt lõi là phải tìm ra nơi sản xuất và tuyên truyền cho người dân hiểu. "Loại tiền đồ chơi này phải thu hồi. Việc buôn bán loại tiền này rất nhạy cảm, do đó các cơ quan chức năng cần truy tìm ra nơi sản xuất và tuyên truyền sâu rộng để bà con hiểu pháp luật", ông Huynh đề xuất.
Tại TP HCM, ngày 21/4, Phòng Tiền tệ kho quỹ Ngân hàng Nhà nước VN chi nhánh TP HCM đã khảo sát sơ bộ tình hình mua bán loại tiền đồ chơi này. Tại khu vực chợ Thiết quận 11, đoàn đã phát hiện một điểm bán. Ông Lê Xuân Đài, Chi Cục phó Chi cục Quản lý thị trường TP HCM khẳng định, việc kinh doanh tiền đồ chơi là vi phạm pháp luật. Ngân hàng cần phải khuyến cáo cũng như tham mưu cho Chính phủ để có quy định rõ ràng về vấn đề này. Cơ quan cảnh sát kinh tế cũng đã vào cuộc.
Hoàng Lan