Và thực tế là dù ký với ai đi nữa, để việc đàm phán theo đúng ý mình, thì bên trả tiền, ở đây là VFF, cũng nên rủng rỉnh tiền bạc trước khi ngồi vào bàn. Có nhiều tiền, nếu đối tác đặt vấn đề lương cao, thì ta "siết" bằng các ràng buộc khắt khe để giảm rủi ro tài chính. Cũng phải có nhiều tiền, chúng ta mới đưa ra một đề nghị "không thể từ chối", ví dụ như lương thì vừa phải nhưng kèm các điều kiện đãi ngộ cao, cam kết đầu tư lớn cho đội tuyển, hứa hẹn mức thưởng hấp dẫn khi có thành tích.
Hợp đồng đầu với HLV Park Hang-seo tiến hành rất nhanh vì có bầu Đức - phó chủ tịch tài chính - trong thành phần đàm phán. Tay phải ký, tay trái rút tiền đưa luôn. Làm ăn mau lẹ. Cái thế chủ động của người có sẵn tiền, hoặc biết cách làm ra tiền, là vậy. Nhưng VFF hiện nay đang không có cả hai: trong 18 năm qua, chưa bao giờ tổ chức này có ít ủy viên chấp hành là doanh nhân đúng nghĩa như hiện nay.
Việc VFF đang không có người "kiếm tiền" nằm trong bộ máy khiến tôi nhớ đến câu chuyện của 15 năm trước. Hồi năm 2004, lãnh đạo của công ty quảng cáo Đất Việt có gặp riêng số ít nhà báo, với câu chuyện xoay quanh bản hợp đồng tài trợ của Kinh Đô với V-League.
Thời điểm đó, có nhiều thông tin cho biết nhà tài trợ Kinh Đô bỏ ra 11-12 tỷ đồng nhưng VFF chỉ nhận được có 9 tỷ đồng. Công ty quảng cáo Đất Việt, đơn vị đứng giữa, giải thích: số tiền dư dôi ấy họ không bỏ vào túi mình. Đó là tiền để làm công tác khảo sát thị trường, là tiền chi cho các tờ báo thể thao để nhờ nhắc đến Kinh Đô trong các bài viết về V-League, là tiền thực hiện quảng bá V-League trên truyền hình... Thời điểm đó, VFF không cung cấp một số liệu nào về V-League nên Đất Việt buộc phải trích một phần tiền tài trợ để làm thay. Đại khái, đó là tiền đầu tư cho việc kinh doanh của V-League về lâu dài.
Đất Việt phải giãi bày với báo chí, bởi một số thành viên VFF không chịu hiểu các khoản đầu tư đó nên "tuồn" thông tin về số tiền mà họ nhận, vốn là điều khoản không được tiết lộ. Điều này làm tổn hại đến uy tín của Đất Việt, đặt mối quan hệ làm ăn giữa tổ chức này và Kinh Đô vào một sự ngờ vực nhất định.
Tôi là người đưa tin đầu tiên về bản hợp đồng kỷ lục của Kinh Đô với V-League. Người đưa thông tin đó cho tôi chính là bầu Thắng. Ông bầu này cất công đến tận phòng làm việc của chủ tịch công ty Kinh Đô để thuyết phục người bạn của mình tham gia tài trợ bóng đá. Đất Việt khi đó đang làm đối tác quảng cáo của Kinh Đô nên cũng bị "lôi" vào.
Công ty quảng cáo này hồ hởi tưởng mình đã làm được một điều tốt đẹp cho bóng đá Việt Nam. Nhưng sau khi số tiền của hợp đồng bị tiết lộ, họ cho rằng mình chọn nhầm đối tác. Sau hợp đồng 3 năm, Đất Việt dứt khoát chia tay VFF vào cuối năm 2005. Đến năm 2006, V-League không hề có tài trợ ở giai đoạn 1 của V-League.
Đấy là giai đoạn VFF phất cao ngọn cờ tiến lên bóng đá chuyên nghiệp và "tai họa" về tài chính liên tiếp đổ xuống đầu. Từ 2002 đến 2005, ngoài vụ Đất Việt, còn vụ bồi thường vì sa thải HLV Letard, hoặc các trường hợp bị hớ ở các hợp đồng với HLV Calitso hay Alfred Riedl. Đấy là giai đoạn thể hiện rất rõ rằng làm bóng đá khác với làm kinh doanh trên cơ sở bóng đá. Khi không có người có tư duy làm ăn ngồi trong VFF, sự chuyên nghiệp chỉ như những khẩu hiệu.
Bước ngoặt chỉ đến vào năm 2005. Năm đó, tôi có mặt ở đại hội VFF nhiệm kỳ 5 với tư cách đại biểu ở các phiên thảo luận kín của VFF và chứng kiến cuộc đấu công khai đầu tiên (và có lẽ là duy nhất) cho một vị trí lãnh đạo. Đó là thời điểm xuất hiện chức danh phó chủ tịch tài chính, một điểm nhấn để chính thức chuyển VFF từ một kiểu đơn vị công lập nhà nước thành một tổ chức biết làm ăn.
Khán phòng với hơn 200 người của khách sạn Sheraton Hà Nội đã tĩnh lặng một vài giây rồi rào rào vỗ tay như sấm sau lời tuyên bố kiếm ít nhất 6 tỷ đồng để treo thưởng cho HCV SEA Games 2005 của ông Lê Hùng Dũng. Đó có thể là đề cương tranh cử công khai duy nhất của VFF từ trước đến nay. Lần đầu tiên, VFF cảm thấy khả năng tự chủ tài chính với các con số cụ thể do "người nhà" mình làm ra.
Nhưng có được chỗ ngồi là một chuyện, để thay đổi được một hệ thống vốn được bao cấp suốt gần 30 năm trời là chuyện không đơn giản. Phải mất đến gần 6 năm, ông Dũng mới tạo ra được các thay đổi mang tính bản lề. Đó là khi ông lên làm chủ tịch ngân hàng Eximbank và đã đưa ngân hàng này tài trợ cho V-League với số tiền lên đến 30 tỷ đồng. Trước đó, Petro Gas tài trợ V-League chỉ 12 tỷ/năm.
Nếu không phải Eximbank thì chắc chắn là V-League chẳng vọt lên nhanh đến vậy. Cú phá giá của ông Dũng đã thay đổi toàn bộ tiêu chuẩn tài chính cho V-League từ đó về sau, cũng trên 30 tỷ đồng/năm. Rồi đến năm 2012, sau những khiếu nại liên tiếp của các ông bầu, VFF trao lại quyền kinh doanh của V-League cho các CLB, để nhận trọn gói 10 tỷ đồng tiền mặt mỗi năm.
VFF trong gần hai thập kỷ qua có một truyền thống về việc trao ghế cho các doanh nhân để đảm bảo sức khỏe tài chính. Đầu tiên phải kể đến việc ông Lê Hùng Dũng thông qua những đóng góp của Eximbank để vươn đến chiếc ghế chủ tịch nhiệm kỳ 7. Hoặc ông Trần Anh Tú "futsal" có mặt trong tốp 5 quyền lực nhờ các hoạt động tài trợ cho giải bóng đá nữ, giải hạng nhất...vốn rất kén tài trợ. Ông Lê Văn Thành, chủ tịch công ty sản xuất thể thao Động Lực, đều đặn có mặt trong VFF từ khi mới hơn 30 tuổi và đều đặn là ứng viên chức Phó chủ tịch.
Rồi khi bầu Đức làm phó chủ tịch, ông mời được VP Milk chen vào tài trợ cho U23 và đội tuyển quốc gia ngoài các nhà tài trợ của công ty Dentsu. Hoặc có thời gian Agribank tài trợ bóng đá vì trong ban chấp hành khi đó có chủ tịch của ngân hàng này.
Hãy thử hình dung nếu trong ban chấp hành của VFF có chừng 5-7 doanh nhân thì chỉ riêng mỗi người tặng VFF 5 tỷ tiền túi hoặc dùng công ty của mình tài trợ thì đã có khoảng vài chục tỷ đồng phát sinh. Đó là chưa kể với phẩm chất của người kinh doanh chuyên nghiệp, họ có ưu thế trong vận động tài trợ cho tổ chức.
Tưởng là sau 15 năm, tư duy về kinh doanh của VFF đã thay đổi, nhưng ai ngờ là đến nhiệm kỳ này, trong 17 ủy viên ban chấp hành VFF, chỉ có 2 người là doanh nhân đúng nghĩa. Tỷ lệ chỉ là 14%, ít nhất nếu tính từ năm 2001 đến nay. Lúc bóng đá đang thịnh, lý thuyết là nên tăng tỷ lệ doanh nhân trong VFF mới hợp lẽ.
Có tiền, các vấn đề liên quan đến chuyên môn nếu thiếu người thì outsourcing (thuê ngoài). Khó như việc nâng thành tích đội tuyển mà chúng ta vẫn làm được với HLV Park Hang-seo và đội ngũ trợ lý thì còn gì khó hơn?
Trong 15 cái ghế thuần túy chuyên môn ở VFF, ai sẽ là người giải quyết bài toán tiền bạc và đàm phán với HLV Park Hang-seo?
Việt Tâm