Sáng 9/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi). Là người đặt câu hỏi đầu tiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thẳng thắn nói: Qua một số vụ như Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) và sắp tới là vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang), các cơ quan tiến hành tố tụng thấy khó khăn, vướng mắc gì nhất trong giải quyết bồi thường oan sai?
Chánh án Toà án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời: "Cái khó là định lượng để xác định bồi thường". Có những khoản dễ tính như tiền chi trả trong những ngày bị tù oan tính trên thu nhập tối thiểu, nhưng có những khoản không thể định lượng mà chỉ ước lệ như tổn hại về danh dự, sức khỏe, tinh thần... Những việc này nếu không có quy chuẩn sẽ dễ dẫn đến tùy nghi áp dụng, gây khó khăn cho các cơ quan trong giải quyết bồi thường oan sai.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết vướng mắc nhất là không thể xác định chi phí thăm nuôi, tổn hại tinh thần... Ông Lê Hữu Thể, Viện phó VKSND Tối cao, bổ sung thêm, vì vướng mắc này mà khi thương lượng bồi thường rất khó đạt được đồng thuận vì "không có khung". Ông Thể kiến nghị luật cần có "khung" tương đối để cơ quan bồi thường dễ làm việc hơn với người bị oan sai.
Lấy dẫn chứng cho việc áp dụng không có quy chuẩn này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình trình bày: "Chẳng hạn việc bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn có nhiều ý kiến cho rằng vận dụng chưa đúng dẫn đến tiền bồi thường quá cao. Điều này khiến các trường hợp đòi bồi thường sau này sẽ nói rằng: 10 năm tù oan phải bồi thường thế này, 12 năm phải thế kia, 17 năm là mức này”.
Theo ông Bình, TAND Tối cao đang chỉ đạo TAND tỉnh Bình Thuận giải quyết bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén. Nếu theo khung quy định của Bộ Tài chính, mức bồi thường cho ông Nén sẽ hạn chế và chênh lệch khá nhiều so với ông Chấn, dù ông Chấn tù oan 10 năm, ông Nén tới 17 năm.
Trước nhiều ý kiến trong người dân cũng như tại diễn đàn Quốc hội cho rằng tiền thuế của nhân dân đóng góp xây dựng đất nước chứ không phải mang đi bồi thường cho sai phạm trong hoạt động tố tụng hình sự, ông Bình đề nghị cho phép được lập quỹ. "Nếu không giải quyết được việc này thì từ nay về sau phải chịu áp lực về câu hỏi tiền thuế của dân không phải để đem đi giải quyết bồi thường", ông Bình nêu quan điểm.
Giải thích nguồn tiền đang được dùng bồi thường, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay trong một năm ngân sách nhà nước thu phạt hành chính khoảng 6.000 tỷ đồng, tiền thu từ tang vật tịch thu trong các vụ án khoảng 500 tỷ, thu từ toà 600 tỷ. Lập quỹ từ các khoản này sẽ giải quyết được áp lực dư luận, tiền bồi thường không lấy từ nguồn thuế.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng không nên lập quỹ vì "có quá nhiều rồi", nguồn tiền nào thì cũng đều từ ngân sách.
Chốt phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, luật này liên quan trực tiếp đến người dân, đến các cơ quan tố tụng, nên nhiều vấn đề sẽ phải bàn thảo kỹ lưỡng. Các cơ quan sẽ tiếp tục ngồi lại với nhau để bổ sung hoàn thiện.
Chính phủ chưa trình quy chế xử lý kỷ luật cán bộ về hưu Theo Tổng Thư ký Quốc hội, dự kiến phiên họp của Ủy ban Thường vụ sẽ kéo dài từ 9 đến 11/1. Tại ngày làm việc cuối cùng, Uỷ ban Thường vụ sẽ cho ý kiến dự thảo nghị quyết về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu. Tuy nhiên, Chính phủ chưa trình dự thảo nghị quyết về nội dung trên nên cơ quan thẩm tra chưa thể tiến hành thẩm tra. Tại phiên họp lần này, các đại biểu sẽ cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của 8 dự án luật gồm: Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật quy hoạch; dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật cảnh vệ… |
Võ Hải