Tôi rất lấy làm lạ khi nghe cô nhân viên thu ngân nhắc đi nhắc lại rằng: chị đã trả toàn bộ tiền cho chuyến đi, xin đừng đưa thêm tiền cho tài xế. Vốn đã quen với văn hoá tiền boa (tiền tip) sau mấy năm sống ở Mỹ, tôi không khỏi suy nghĩ khi một chuyện bình thường ở phương Tây lại trở thành một căn dặn mang tính cảnh báo nghiêm nghị đến thế.
Sực nhớ tới những lần bị tài xế taxi vòi tiền trắng trợn, tôi ngẫm ra rằng có thể cô nhân viên hãng xe kia nhắc nhở kỹ càng quá mức cần thiết về vấn đề tiền boa là bởi họ lo sợ tiền “boa” của khách sẽ làm hư tài xế. Dăm năm trước, vào khoảng sau kỳ nghỉ Tết, tôi đón taxi từ Tân Sơn Nhất về nhà và khi vừa ra khỏi sân bay, tôi đã nhận ra đồng hồ tính tiền của anh tài xế có vấn đề. Nó nhảy tiền nhanh bất thường. Tôi thắc mắc với anh rằng sao cùng một đoạn đường tôi mới đi cách đây vài tuần mà xe của anh lại tính tiền gấp đôi xe khác? Anh tài xế tỉnh bơ bảo: “Ờ thì sau Tết, chị cũng phải mừng tuổi cho tôi chút chớ!”. Nghe đến đó, tôi bảo anh tài dừng xe cho tôi xuống ngay vì tôi không chấp nhận kiểu vòi vĩnh trơ tráo như thế.
Có lẽ anh tài xế đòi tiền mừng tuổi ấy đã đánh đồng tiền boa và tiền vòi, đã nhầm lẫn sự tri ân của khách hàng với quyền được đòi hỏi của người làm công việc dịch vụ trực tiếp. Sử dụng dịch vụ taxi thường xuyên, tôi đã có thói quen cảm ơn và gửi thêm tiền boa cho những người lái xe nghiêm chỉnh, tận tình giúp đỡ nếu thấy khách cần xách đồ. Nhưng với những người làm việc ẩu tả, gian dối và không ngần ngại vòi vĩnh như anh tài xế tôi gặp dăm năm trước thì một xu tôi cũng không muốn cho. Chắc anh ta sẽ cho rằng tôi là người keo kiệt, cũng như tôi đương nhiên coi anh ta là người làm nghề không có tâm, chung quy lại thì chỉ vì quan niệm về tiền boa của chúng tôi khác nhau hoàn toàn.
Tôi chỉ thực sự biết về tiền boa khi bắt đầu cuộc sống ở Mỹ - nơi người ta bày tỏ sự trân trọng, biết ơn với những người phục vụ trực tiếp bằng tiền boa. Tiền boa đã trở thành một thứ văn hoá của người Mỹ mà muốn biết cũng phải học. Ở Mỹ, nếu bạn nghỉ ở khách sạn, bạn sẽ phải gửi tiền boa cho tất cả mọi người phục vụ bạn, từ anh nhân viên đưa giúp hành lý lên phòng cho tới người trông xe lấy giùm xe. Ngay cả người làm việc vệ sinh phòng - người hầu như không bao giờ xuất hiện trước mặt bạn, bạn cũng phải gửi khéo tiền boa dưới gối. Người Mỹ boa tiền cho những người làm công việc chân tay ở khách sạn, nhà hàng vì họ chỉ có mức lương cơ bản ít ỏi và không có cơ hội nào để kiếm thêm tiền. Tiền boa vừa thay lời cảm ơn, vừa là một sự khích lệ của khách hàng cho công việc của họ.
Không rõ khái niệm tiền boa xuất hiện ở Việt Nam từ bao giờ nhưng cũng như vô vàn những thứ du nhập khác từ phương Tây, tiền boa bị biến nghĩa khi vào môi trường văn hoá nông nghiệp của Việt Nam. Một lần, tôi đi ăn cơm tối với chồng ở một nhà hàng khá sang trọng. Vừa ngồi vào bàn, mấy cô gái tiếp thị thuốc lá và rượu đã đến bàn mời mua nhưng chúng tôi từ chối. Rồi một cách bất đắc dĩ, chúng tôi phải chứng kiến cách bàn bên cạnh boa tiền cho mấy cô. Họ là mấy người đàn ông đang ngồi nhậu, thấy mấy cô gái đến thì buông lời chòng ghẹo chứ không quan tâm gì đến rượu hay thuốc. Mấy cô gái kiên nhẫn chào mời trong những lời đùa cợt thô lỗ của đám đàn ông. Tươi cười mời mọc cho đến lúc biết là họ sẽ không mua hàng, các cô gái xin phép đi sang bàn khác. Lúc bấy giờ, một anh trong nhóm đứng dậy rút ví dúi tiền vào tay một cô, cao giọng bảo: boa cho các em.
Chắc nhiều người vẫn nghĩ về tiền boa theo cách của đám đàn ông kia - một thứ tiền xoè ra không nghĩ ngợi, nếu có nghĩ thì chỉ nghĩ về bản thân chứ không đếm xỉa gì đến cảm giác của người nhận tiền boa.
Boa tiền là một hành vi văn hoá. Người trao thể hiện văn hoá ở thái độ trân trọng công việc của người phục vụ mình. Người nhận thể hiện văn hoá ở thái độ tận tâm với công việc một cách vô tư. Có như thế, tiền boa và hành vi boa tiền mới thực sự thoát ra khỏi ý nghĩa đổi chác thông thường như nhiều người vẫn nghĩ.
Nguyễn Thị Thanh Lưu