Hôm thứ Tư (18/8), mỗi USD đổi được 86 Afghani, so với mức mỗi USD đổi 80 Afghani vào tuần trước, theo Refinitiv. Đồng tiền của Afghanistan lao dốc sao khi lược lượng Taliban kiểm soát thủ đô Kabul.
Nền kinh tế mỏng manh của Afghanistan chủ yếu dựa vào viện trợ quốc tế do Mỹ dẫn đầu, như nay có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau khi quân đội Mỹ rút lui. Khoảng 75% chi tiêu công được tài trợ thông qua các khoản viện trợ quốc tế, theo Ngân hàng Thế giới.
Afghani sụt giảm sẽ gây thêm áp lực lên lạm phát. Giá cả tăng cao, đặc biệt là đối với thực phẩm và nhu yếu phẩm, sẽ ảnh hưởng nặng nhất đến những người nghèo. Robert Kahn, Giám đốc chiến lược toàn cầu của Eurasia Group, cho biết một yếu tố góp phần khiến tiền Afghanista mất giá là lo ngại về sự thiếu hụt USD, nơi hệ thống tài chính Afghanistan phụ thuộc rất nhiều, vì nền kinh tế nước này nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu.
"Thách thức chính với chế độ Taliban sẽ là đảm bảo khả năng tiếp cận ngoại tệ để thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu và ngăn chặn cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán toàn diện", Piotr Matys, Nhà phân tích thị trường ngoại hối cao cấp của In Touch Capital Markets, đánh giá.
Giám đốc ngân hàng trung ương Afghanistan Ajmal Ahmady từng có một nỗ lực tuyệt vọng để ổn định thị trường tiền tệ. Hai ngày trước khi rời Afghanistan ngày 15/8, ông được thông báo sẽ không nhận thêm USD vì tình hình xấu đi. Do đó, ngân hàng trung ương bơm ra ít tiền hơn vào thứ Bảy (14/8). Thị trường lập tức hoảng loạn, tỷ giá tăng vọt từ khoảng 81 lên gần 100 Afghani đổi một USD.
Cuộc khủng hoảng đã khiến ông phải tổ chức các cuộc họp ngay hôm đó để trấn an thị trường. Ông Ashraf Ghani, lúc đó vẫn là tổng thống của Afghanistan, đã nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào tối thứ Bảy để yêu cầu các lô USD được nối lại. "Chuyến hàng tiếp theo không bao giờ đến", Ahmady nói.
Ông Ahmady cho biết, ngân hàng trung ương Afghanistan có số ngoại tệ "gần bằng 0". Do thiếu hụt USD, Taliban có thể sẽ phải thực hiện các biện pháp kiểm soát vốn, ông nói thêm. "Tiền sẽ mất giá. Lạm phát sẽ tăng. Điều này sẽ làm tổn thương người nghèo khi giá lương thực tăng", ông dự báo.
Giống như hầu hết các ngân hàng trung ương, Afghanistan giữ phần lớn dự trữ ngoại tệ, vàng và các tài sản khác ở nước ngoài, như tại Kho bạc Mỹ. Ahmady cho biết đã nhận được thông tin về việc các tay súng Taliban hỏi các nhân viên ngân hàng trung ương rằng tài sản đang cất ở đâu. "Nếu điều này là đúng - thì rõ ràng họ cần gấp một chuyên gia kinh tế vào đội ngũ của mình", ông nói thêm.
Một quan chức chính quyền Biden xác nhận Mỹ đang đóng băng khối tài sản gần 9,5 tỷ USD thuộc về ngân hàng trung ương Afghanistan. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng hoãn kế hoạch chuyển 450 triệu USD đến Afghanistan tuần tới.
Marc Chandler, Giám đốc điều hành của Bannockburn Global Forex, lo ngại việc đóng băng tài chính của Mỹ đối với Taliban sẽ phản tác dụng. "Một nền kinh tế nghèo khó sẽ làm trầm trọng thêm thách thức quản trị và có thể làm suy yếu khả năng kiểm soát đất nước của Taliban, nhường chỗ cho các phần tử phi nhà nước - những kẻ khủng bố", ông nói.
Robert Kahn, Giám đốc chiến lược toàn cầu của Eurasia Group, cho biết mô hình kinh tế của Taliban đã tỏ ra "kiên cường" trong quá khứ.
"Với cơ sở nông nghiệp và phi tập trung của hoạt động kinh tế, mô hình của họ cho thấy khả năng vượt qua được các lệnh trừng phạt, cũng như rào cản tiếp cận các thị trường/nguồn tài chính chính thức", ông nói.
Chuyên gia phân tích ngoại hối Piotr Matys cho biết các nhà đầu tư lạc quan Afghanistan sẽ trở nên ổn định hơn trong tương lai so với hai thập kỷ qua. "Sự ổn định chính trị, ngay cả dưới chế độ độc tài, là một yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài, những người thường không đặt dân chủ lên hàng đầu trong danh sách ưu tiên đầu tư của họ".
Phiên An (theo CNN)