Thứ năm, 23/1/2025
Thứ sáu, 7/4/2023, 07:54 (GMT+7)

Tiêm vaccine cho hổ

35 con hổ trưởng thành được tiêm vaccine phòng các bệnh giảm bạch cầu, bệnh hô hấp, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam.

35 con hổ tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội được chọn tiêm vaccine. Số lượng vaccine này cung cấp miễn phí bởi Four Paws (Tổ chức phi lợi nhuận vì phúc lợi động vật).

Các chuyên gia trong và ngoài nước tiến hành khảo sát từng con để tìm hiểu các bệnh đang mắc, loại thuốc đang dùng cho hổ. Các chuyên gia thống nhất sẽ tiêm 21 con hổ đầu tiên trong ngày 6/4. Sau 2-4 tuần những con này sẽ tiêm mũi thứ 2 cùng số hổ còn lại.

Vì hổ là loài động vật hoang dã nên việc tiếp cận tiêm chỉ có cách duy nhất là thổi ống tiêm trên đầu là thuốc, bên dưới nén hơi.

"Các bệnh giảm bạch cầu, hô hấp đều là nguy hiểm, thậm chí có thể gây chết rất nhanh, đặc biệt là với con non. Vì vậy, khuyến cáo mỗi con vật khi tiếp nhận đều phải xét nghiệm bệnh và nếu đủ điều kiện sức khoẻ thì phải tiêm vaccine ngay trong những ngày đầu tiên. Tiêm 2 mũi nhắc lại trong vòng 1 tháng, sau đó tiêm mũi nhắc lại mỗi năm một lần. Các con non sau 8 tuần cũng có thể được tiêm phòng và tiêm mũi nhắc lại mỗi năm một lần", Marc Goelkel, bác sĩ thú y, Trưởng bộ phận quản lý động vật và trang thiết bị thú y của Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình (một dự án của Four Paws) cho biết.

Vaccine được sử dụng để ngừa các bệnh: Herpes, giảm bạch cầu, bệnh hô hấp do chlamydia và calicivirus. Đây là các bệnh rất phổ biến ở động vật họ mèo. Trên thế giới, trong quá trình cứu hộ, khi cơ sở chăm sóc tiếp nhận động vật đều được tiêm phòng các bệnh trên.

Tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, do diện tích chuồng nuôi có hạn, mỗi chuồng hổ đang nhốt từ 2-3 con. Để tiêm chính xác từng con, nhân viên phải tách chúng ra các gian phòng khác nhau. Sau đó dụ chúng mất tập trung và thổi tiêu có thuốc vào người.

Mỗi ống tiêm có khoảng 2 ml vaccine, trên đầu mũi tiêm có miếng cao su nhỏ để khi mũi tiêm cắm vào người có điểm dừng. Khi hổ cử động có thể rơi mũi tiêm ra.

Anh Hải (50 tuổi) là bác sỹ của trung tâm, cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội có kinh nghiệm trong việc tiêm cho các loài động vật cho biết: "Phải đánh lạc hướng, dấu ống thổi và kim tiêm để hổ mất tập trung rồi mới thổi. Động tác phải nhanh mới hiệu quả".

Với hổ ở chuồng khó tiếp cận và có bản tính hung bạo, các chuyên gia sẽ nhẹ nhàng tiếp cận, chia các vị trí đứng khác nhau để làm phân tán sự tập trung của hổ rồi nhanh chóng thổi tiêm.

Hiện bác sỹ Marc Goelkel là một trong số ít chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam có kinh nghiệm chuyên môn về loài hổ. Mỗi hành động, tập tính của hồ đều được quan sát kỹ để hiểu tính cách, giảm sự căng thẳng mới đạt hiệu quả khi tiêm.

Một ống tiêm vẫn nằm trên da một con hổ, nhân viên của Trung tâm cứu hộ phải sử dụng gậy sắt để thu hồi.

Với các loài mèo rừng, linh miêu có sức khoẻ yếu, nhân viên chăm sóc sẽ tiếp cận trực tiếp để tiêm. Tuỳ theo cân nặng, vaccine sẽ tiêm lượng ít hơn.

Con mèo rừng nhỏ được giữ để khám sức khoẻ trước khi tiêm. Với loài họ mèo, sau khi tiêm vaccine con nào yếu sẽ bị mệt mỏi, chán ăn, lười vận động, nhưng chỉ 1 đến 2 ngày là khoẻ mạnh.

Sau 2 tuần sẽ tiêm nhắc lại mũi thứ 2.

Herpes, giảm bạch cầu, bệnh hô hấp
 
 

Thổi tiêm vaccine cho hổ.

Ngọc Thành