Kết quả chụp X-quang và xét nghiệm sinh hóa máu cho thấy bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối hai bên. Ông đã điều trị nội khoa và tiêm khớp nhiều năm nhưng không thuyên giảm.
Người bệnh được điều trị giảm đau, kháng viêm kết hợp phẫu thuật nội soi cắt lọc sụn khớp, tiêm tế bào gốc và huyết tương giàu tiểu cầu trực tiếp vào khớp gối trái. Sau phẫu thuật và tập vật lý trị liệu 4 tháng, ông không còn bị đau gối hai bên.
Hơn một năm theo dõi đến ngày 16/12 tái khám không ghi nhận các biến chứng, người bệnh gần như khỏi hoàn toàn.
Bác sĩ Bùi Hồng Thiên Khanh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết thoái hóa khớp là hậu quả của cả vấn đề sinh học và cơ học, gây ra tình trạng mất ổn định quá trình tổng hợp và thoái hóa bình thường của tế bào sụn khớp, chất gian bào và xương dưới sụn. Bệnh ảnh hưởng toàn bộ khớp gồm xương dưới sụn, dây chằng, bao khớp, màng hoạt dịch và những cơ quanh khớp.
Đây là bệnh lý rất thường gặp ở người lớn tuổi. Biểu hiện là các cơn đau đau nhức khi vận động, kèm theo cảm giác cứng khớp vào buổi sáng, có tiếng lạo xạo khi khớp cử động, động tác khớp bị hạn chế, mặt khớp xương bị biến dạng, hoạt động cơ thể gặp nhiều khó khăn. Nếu không được điều trị kịp thời, các cơn đau do thoái hóa khớp gối có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nhiều phương pháp đã chứng minh tính hiệu quả trong điều trị bệnh như điều trị nội khoa bằng thuốc; phẫu thuật nội soi như cắt lọc, tạo vi gãy xương kích thích tủy, cấy tế bào sụn tự thân; ghép sụn; cắt xương sửa trục; thay khớp và liệu pháp tế bào gốc.
"Hiện phương pháp tiêm tế bào gốc từ mỡ tự thân của người bệnh được xem là phương pháp điều trị mới, ít xâm hại, giúp giảm nguy cơ thay khớp gối nhân tạo, hiệu quả điều trị cho người bệnh", bác sĩ Khanh nói.
Tế bào gốc mô mỡ tự thân là một phương pháp mới có thể cải thiện triệu chứng và chức năng của khớp gối thoái hóa, giảm tình trạng viêm, phục hồi vùng sụn tổn thương. Sự cải thiện về mặt chức năng vận động của người bệnh trong thời gian theo dõi ít nhất 12 tháng cho thấy tính an toàn và hiệu quả của phương pháp này.
Bác sĩ Khanh khuyên người dân nên phòng ngừa bệnh bằng việc duy trì cân nặng hợp lý khi còn trẻ, tránh các tư thế không phù hợp trong sinh hoạt và làm việc, hạn chế ngồi xổm, mang vác nặng, thay đổi tư thế đột ngột. Mọi người cần tập luyện thể dục thể thao thường xuyên và đúng cách khi còn trẻ giúp xương khớp khỏe mạnh. Xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung các chất cần thiết cho hệ cơ xương khớp, thăm khám sức khỏe định kỳ, tìm gặp ngay bác sĩ nếu thấy có bất thường ở khớp.
Việc nhận biết triệu chứng thoái hoá khớp gối và cách điều trị sớm là cách tốt nhất để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh gây ra. Do đó khi phát hiện bệnh, mọi người cần chủ động tìm đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thoái hoá khớp là nguyên nhân gây tàn tật ít nhất 10% dân số trên 60 tuổi. Trong các bệnh lý thoái hóa khớp, thoái hóa khớp gối chiếm 1/3 dân số lớn tuổi, số tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng tăng.
Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM tặng 100 phiếu khám miễn phí sáng 22/12 cho 100 người bệnh thoái hóa khớp. Đăng ký: (028) 3952 5449.