Nằm giữa trung tâm Sài Gòn, phở Bình vốn nức tiếng từ trước năm 1975. Ít ai biết được nơi đây từng là Sở chỉ huy tiền phương Phân khu 6 trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968.
Nhằm chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam đã có những kế hoạch chuẩn bị và xây dựng hạ tầng bí mật trong nội thành để giữ vũ khí, cán bộ cũng như làm cơ sở tiền chỉ huy, hội họp, trao đổi thông tin trước và trong các trận đánh.
Với lợi thế địa lý, căn nhà phố tại số 7 đường Yên Đỗ (nay là đường Lý Chính Thắng, phường 8, quận 3) đã được chọn làm cơ sở chỉ huy tiền phương. Đây cũng là điểm phát lệnh cho các cuộc tấn công khiến quân địch bất ngờ như trận đánh tại Đại sứ quán Mỹ, Dinh Độc Lập,… Để che mắt quân thù, các chiến sĩ trong đội biệt động đã vào vai người giúp việc của tiệm phở.
Tôi đến phở Bình vào một ngày mùa hè oi bức.Không gian sạch sẽ, bàn ghế gọn gàng trong gian nhà khiêm tốn, đem đến cảm giác hết sức dễ chịu dù ngoài trời nóng nực. Ngay khi tôi bước chân vào, mùi nước lèo thơm phức xộc thẳng vào mũi khiến vị giác bị kích thích, tôi gọi cho mình tô phở bò tái gân. Do ngồi gần cửa nên tôi được dịp quan sát kỹ khu bếp của chủ tiệm.
Hàng phở hơn 40 năm vẫn không ngớt khách.
Nói không ngoa, hiếm có người Việt Nam nào chưa từng ăn một tô phở. Cái “vị quê nhà” này không chỉ khác biệt theo từng vùng miền mà còn tùy thuộc vào mỗi hàng quán khác nhau. Mỗi nơi sẽ có riêng cho mình một bí quyết nấu, quan trọng nhất vẫn là vị nước lèo.
Nước lèo ở phở Bình được nhiều thực khách đánh giá thơm ngon. Nồi nước dùng trong veo, ngọt tự nhiên, đượm mùi thịt bò và thơm hương gia vị. Bánh phở được làm từ gạo ngon, bánh trắng mỏng, có độ mềm và dai nhất định. Thăn bò tươi, thớ nhỏ mịn để làm phở tái. Nạm, gầu bò được luộc chín, mỡ vàng nhạt làm phở chín hay tái gầu, tái nạm.
Tô phở nóng hổi được đưa ra bàn sau ít phút, thực khách chỉ cần rắc thêm chút tiêu, thêm vài lát ớt tươi, xíu tương ớt, vắt miếng chanh và gọi thêm đĩa quẩy giòn rụm hoặc rau giá ăn kèm, tùy khẩu vị.
Ngoài phở bò, tiệm còn có phở gà và phở áp chảo đặc biệt dành cho những ai muốn thay đổi khẩu vị. Giá mỗi tô từ 30.000 đồng trở lên, tùy theo từng loại như tái nạm, tái gân, bò gân,…
Dù phở Bình có đôi lần đóng cửa rồi bán lại, nhưng hương vị xưa vẫn nguyên vẹn cho đến giờ. Một vị khách lớn tuổi đến từ Cần Thơ chia sẻ với tôi: “Mỗi lần có việc lên Sài Gòn là tôi đều ghé đây để ăn một tô phở rồi mới về. Phở ở đây rất đặc biệt”. Tôi hỏi tại sao, ông bảo không biết trả lời như thế nào vì không phải là người sành ăn, chuyên đánh giá.
Vị khách này từng có hơn 30 năm giảng dạy tại một ngôi trường trong thành phố, ông chỉ nói gọn một câu là không thể ăn phở ở một tiệm nào khác ở Sài Gòn ngoại trừ phở Bình.
Trải qua bao thăng trầm và biến cố, phở Bình vẫn “cố gắng” trụ ở Sài Gòn như một chứng nhân lịch sử thầm lặng, mang phong vị của những ngày xưa cũ. Có lẽ chính không gian giản dị lọt thỏm giữa chốn phố thị tấp nập là điều khiến thực khách luôn nhớ về phở Bình, bên cạnh những tô phở ngon bốc hơi nghi ngút.