NFT (non-fungible token) dần trở nên phổ biến trong cộng đồng hơn một năm qua. Đây là một chứng nhận tài sản số dựa trên blockchain, nên rất minh bạch về tính chính danh cũng như quyền sở hữu. Công nghệ blockchain giúp mọi người đều có thể truy cập và dễ dàng sử dụng NFT. Theo từ điển Collins, trong năm 2021, tần suất sử dụng từ NFT đã tăng 11.000% so với năm trước đó và trở thành từ nổi bật của năm.
NFT xuất hiện trong nhiều lĩnh vực từ hội họa, âm nhạc, game đến giải trí. Công nghệ này cũng có thể đại diện cho tài sản vật chất như vàng, đồng hồ, hay chứng chỉ, hợp đồng, do đó nó được đánh giá chứa đựng nhiều tiềm năng lớn.
Giáo sư Sarah Hammer tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ) lấy ví dụ trong lĩnh vực giáo dục. Các văn bằng, chứng chỉ thường làm bằng giấy và trao trực tiếp. Do đó việc lưu trữ, xác minh và gửi chủ yếu được thực hiện thủ công, khiến cho các văn bản này dễ bị làm giả. Nếu liên kết các giấy tờ đó với NFT, các công việc cần làm cũng dễ dàng hơn. NFT còn có thể dẫn đến thông tin chi tiết về các môn học mà sinh viên đã hoàn thành, điểm số, thành tích trong học tập... Với những chứng chỉ kỹ thuật số này, nhà tuyển dụng có thể xác minh nguồn gốc và thông tin chi tiết của ứng viên hiệu quả, từ đó đẩy nhanh quy trình ứng tuyển.
Trong hai năm đại dịch, các khóa học online cũng đua nhau nở rộ. Khi số lượng người theo học tăng lên, việc xác thực các chứng chỉ online cũng khó hơn. Nhờ vào NFT, học viên có thể chứng minh các khóa học đã hoàn thành và nơi đào tạo cũng có thể chứng minh độ tin cậy của mình.
Giáo sư Hammer cho rằng một lĩnh vực khác mà NFT có tiềm năng phát triển là chăm sóc sức khỏe, nhất là trong vấn đề lưu trữ dữ liệu. Hồ sơ bệnh án của bệnh nhân đa phần bằng giấy, hoặc bản điện tử nằm rải rác trên nhiều nền tảng khác nhau. Do đó, nhiều người phải trải qua những đợt điều trị không cần thiết do quản lý dữ liệu kém.
NFT giúp tạo thông tin xác thực, chính xác cũng như hiển thị quyền sở hữu của chủ nhân bệnh án. Bên cạnh đó, dạng thông tin điện tử này có thể liên kết với lịch sử điều trị, tình hình sức khỏe của bệnh nhân, từ đó các bác sĩ nắm bắt được tình trạng bệnh nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, NFT còn có thể tác động lớn đến xã hội. Ví dụ, một nhóm nghiên cứu vaccine phòng bệnh truyền nhiễm có thể lưu lại thời khắc sáng chế thành công trong NFT và bán lại để gây quỹ cho quá trình nghiên cứu. Mùa hè năm ngoái, Tim Berners-Lee, nhà sáng lập World Wide Web, bán NFT của mã nguồn ban đầu của WWW với số tiền quy đổi trị là 5,4 triệu USD, sau đó làm từ thiện.
Một trường hợp khác là chiến dịch từ thiện của NFT4Good dành cho phong trào chống kỳ thị người châu Á #StopAsianHate. Tổ chức này tạo ra 88 thẻ sưu tập dạng NFT của các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Á trong nhiều lĩnh vực. Số tiền thu được sau đó chuyển cho các tổ chức phi lợi nhuận, ủng hộ các phong trào bảo vệ cộng đồng.
NFT có nhiều ứng dụng tiềm năng, nhưng do gắn với những tài sản được định giá quá cao trong các lĩnh vực như game, nghệ thuật nên công nghệ này vẫn còn bị hoài nghi về giá trị thật. Vẫn còn nhiều thách thức, vấn đề cần làm rõ trước khi NFT có thể được dùng trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe, hoặc bất kỳ ứng dụng nào khác liên quan đến thông tin cá nhân.
Để trả lời câu hỏi khi nào NFT có thể áp dụng và áp dụng ra sao, bài toán lớn hơn được đặt ra là quyền riêng tư khi hầu hết những thứ liên quan blockchain đều công khai. "Làm thể nào để lưu trữ dữ liệu bảo mật vẫn còn là câu hỏi cần giải đáp. Ngoài ra, vấn đề quyền sở hữu và ô nhiễm môi trường cũng là thách thức lớn. Những rào cản này sẽ ảnh hưởng đến khả năng sử dụng của NFT khi đến tay người dùng", giáo sư Hammer lưu ý.
Mỹ Quyên (theo WSJ)