"World Blockchain Web 3.0 Marvels HCMC 2023" quy tụ nhiều chuyên gia công nghệ đầu ngành, đặc biệt trong lĩnh vực Blockchain và Web3.0 tại Hàn Quốc và Việt Nam. Chương trình do DTS Group, Korean CEO Summit (KCS), cùng Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức tại TP HCM, đối tác truyền thông là tổ chức Giáo dục trực tuyến FUNiX.
Theo báo cáo của Grand View Research, công nghệ Blockchain vẫn đang được nhiều quốc gia xem là một trong những lựa chọn quan trọng cho mục tiêu phát triển kinh tế. Quy mô thị trường toàn cầu đạt 5,92 tỷ USD vào năm 2021, khoảng 7,18 tỷ USD năm 2022 và dự kiến 163,83 tỷ USD vào năm 2029.
Báo cáo của TechSci Research cho thấy thị trường Blockchain Việt Nam được dự đoán tăng trưởng hai con số giai đoạn 2023-2027. Đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết hiện Việt Nam là thị trường có mức chấp nhận Blockchain cao và phát triển công nghệ Blockchain hàng đầu hiện nay. Có khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo do người Việt Nam sáng lập trong lĩnh vực này có mức vốn hoá trên 100 triệu USD, với nhiều start-up "kỳ lân" xuất hiện. Nhiều công ty khởi nghiệp triệu đô có sức ảnh hưởng mạnh mẽ trên thị trưởng, như Kyber Network của Lưu Thế Lợi đã nhận được 52 triệu USD từ hơn 21.000 nhà đầu tư lớn từ hơn 100 quốc gia khắp thế giới.
Ông Trương Gia Bảo, Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số DTS Group đồng thời là mentor tại FUNiX đưa ra con số, Việt Nam hiện có khoảng 17 triệu ví liên quan đến tiền điện tử và tài sản số (NFT). Những năm gần đây, mỗi năm có thêm khoảng 500 - 1.000 doanh nghiệp ứng dụng blockchain.
"Từ những ứng dụng đầu tiên trong việc truy xuất nguồn gốc trong sản xuất nông nghiệp, nay blockchain ngày càng được ứng dụng rộng rãi hơn ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực từ tài chính - ngân hàng, từ thiện, y tế, giáo dục...", ông Trương Gia Bảo nhận định.
Chủ tịch Liên minh Chuyển đổi số DTS Group nhấn mạnh Việt Nam có lực lượng dân số trẻ, mức độ thích nghi với công nghệ luôn cao. Ngoài ra, lực lượng lập trình viên công nghệ cũng rất tài năng, với ngày càng nhiều công ty công nghệ và đại học đào tạo về công nghệ. Do đó, khi blockchain bùng nổ, Việt Nam có hệ sinh thái đáp ứng được nhanh chóng.
Đánh giá về tiềm năng phát triển Blockchain tại Việt Nam, ông Park Bong Kyu - Chủ tịch Korea CEO Summit cho rằng, với tốc độ tăng trưởng kinh tế đang rất cao thì Việt Nam được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng trong lĩnh vực Blockchain. Bởi công nghệ này mới, việc nắm bắt và ứng dụng cần đến bài toán nguồn nhân lực chất lượng và thời gian nghiên cứu lâu dài.
Ông Hoàng Việt Thắng - Giám đốc Trung tâm Cung ứng nhân lực Tổ chức Giáo dục trực tuyến FUNiX cũng tin tưởng công nghệ blockchain đem lại những thay đổi đột phá trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Việc ứng dụng công nghệ này đang tăng trưởng nhanh dẫn đến nhu cầu về nguồn nhân lực thành thạo trở nên cấp thiết.
Ông Thắng cho biết, từ năm 2018, FUNiX đã triển khai chương trình đào tạo Blockchain với sự đồng hành của các chuyên gia (mentor) và doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực. Nhiều lứa học viên sau khi tốt nghiệp khóa học đã trở thành nhân sự blockchain được các công ty săn đón. "Là đối tác tin cậy của nhiều doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực Blockchain, mục tiêu của FUNiX là đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng cao trong Blockchain, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng ngày càng cao trên thị trường", ông Hoàng Việt Thắng khẳng định.
Quỳnh Anh
Hệ sinh thái của FUNiX khuyến khích sinh viên tận dụng nguồn tài nguyên từ internet để học tập công nghệ. Sinh viên được học từ các ngôn ngữ lập trình cơ bản đến các công nghệ tiên tiến, với sự hỗ trợ của các cố vấn trong ngành và Hannah (cán bộ duy trì động lực học tập). Các tín chỉ và chứng chỉ của FUNiX đã được công nhận rộng rãi bởi các doanh nghiệp và trường đại học ở trong và ngoài nước.