Video được truyền thông Trung Quốc công bố hôm 22/10 cho thấy các tiêm kích hạng nặng Nga, dường như là mẫu Su-35S, bay song song hai bên chuyên cơ chở Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tập tới Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 tại thành phố Kazan ngày 22-24/10, theo lời mời của Tổng thống Vladimir Putin.
Quốc gia chủ nhà không buộc phải triển khai tiêm kích hộ tống chuyên cơ chở nguyên thủ nước ngoài đến thăm, nhưng có thể làm điều này nhằm thể hiện sự trọng thị và đề cao quan hệ giữa hai bên.
Chuyên cơ chở ông Tập sau đó đáp xuống thành phố Kazan. Đội danh dự xếp hàng hai bên thảm đỏ khi quan chức Nga chào đón lãnh đạo Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình cùng ngày gặp Tổng thống Putin, nhấn mạnh rằng hai nước đã tìm ra cách đúng đắn để hòa hợp, trong đó có nguyên tắc không liên minh, không đối đầu và không nhắm vào bên thứ ba. "Thế giới đang trải qua những thay đổi mạnh mẽ chưa từng thấy trong thế kỷ qua và tình hình quốc tế đang hỗn loạn", ông Tập nói và ca ngợi "tình hữu nghị sâu sắc" giữa hai nước.
Theo ông, Trung Quốc và Nga "đã liên tục tăng cường, mở rộng hợp tác chiến lược toàn diện cũng như hợp tác thực tiễn".
Ông Putin cảm ơn Trung Quốc vì sự ủng hộ trong thời gian Nga giữ chức chủ tịch BRICS, đồng thời nhấn mạnh Moskva sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh để đảm bảo thành công cho hội nghị thượng đỉnh đầu tiên sau khi BRICS mở rộng.
BRICS là nhóm các nền kinh tế mới nổi chiếm hơn 40% dân số toàn cầu và khoảng 1/4 GDP thế giới. Nhóm được thành lập năm 2009 với 4 thành viên ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc. BRICS sau đó kết nạp Nam Phi, Ai Cập, Iran, Ethiopia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Hợp tác của BRICS dựa trên ba trụ cột, gồm chính trị - an ninh, kinh tế - tài chính, văn hóa và giao lưu nhân dân. Hội nghị các nhà lãnh đạo BRICS mở rộng là cơ chế để những nước không phải thành viên nhóm tham dự với tư cách khách mời.
Huyền Lê (Theo Xinhua, CGTN, AFP)