Tiêm vaccine đã trở thành đầu câu chuyện của nhiều người. Bố mẹ bạn tôi đi tiêm mũi một ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đầu tháng 9 mất khoảng ba tiếng, nhưng các cụ vẫn vui vì "cứ tiêm là an tâm".
Ngày đi tiêm, hai ông bà dậy sớm, ăn mặc chỉnh tề rồi đến điểm tiêm lúc hơn bảy giờ sáng. Xếp hàng để nộp giấy mời tiêm, họ đọc thông tin cá nhân cho cô nhân viên ghi lại một lần nữa bằng bút vào danh sách trên bàn. Ông bà được vào sân ủy ban phường ngồi chờ, khám sàng lọc. Nhân viên đo huyết áp và hỏi vài câu về sức khỏe của cụ, xong ngồi chờ tiếp, khoảng nửa tiếng sau mới tới lượt tiêm.
Tiêm xong, hai cụ ngồi theo dõi 30 phút, chụp ảnh gửi con, được đo huyết áp lại lần nữa và ra về. "Bên ấy tiêm vui không?", cậu hỏi tôi.
Việc đi tiêm của tôi ở Đức, ngược lại, rất đơn giản. Nhận được e-mail thông báo tới lượt tiêm và thời gian, tôi có mặt vào sáng sớm ở trung tâm tiêm chủng thị trấn. Tôi cũng xếp hàng, tuy hàng chỉ có ba người. Chưa đến một phút, "hàng người" đã biến mất.
Như hai người trước mình, tôi đưa giấy tờ cho cô y tá ở bàn tiếp đón. Cô kiểm tra thông tin khá nhanh rồi mời tôi vào phòng chờ. Ngồi hai phút, bác sỹ mời tôi vào bàn tiêm. Anh giải thích cho tôi tác dụng phụ có thể của vaccine và hỏi: "Anh có tự nguyện muốn tiêm không?". Nhận được cái gật đầu, anh nhanh chóng tiêm cho tôi trong khi đánh lạc hướng bằng mấy câu về thời tiết.
Liếc đồng hồ, mười phút đã trôi qua từ khi tôi đặt chân đến trung tâm tiêm chủng, mất thêm mười lăm phút ngồi tại phòng chờ khác để theo dõi, tôi được đến văn phòng bắt đầu ngày làm việc.
Người Đức vẫn luôn tự hào về sự hiệu quả và chính xác tuyệt vời về thời gian. Nhưng trong trường hợp này, đằng sau các điểm tiêm chủng không xếp hàng là ý tưởng công nghệ tương đối đơn giản: hệ thống đặt lịch hẹn tích hợp quản lý kết quả trực tuyến.
Muốn tìm chỗ xét nghiệm hay tiêm vaccine, mọi người đang sống ở Đức có thể truy cập vào trang web của chính quyền bang, thành phố hoặc "Google" tìm đơn vị gần nhất cung cấp dịch vụ tiêm vaccine và xét nghiệm Covid-19 nếu cần. Nhấp chuột vào địa chỉ muốn tiêm, tôi có thể đăng ký luôn trên trang của họ, chọn ngày, giờ còn trống, nhận hướng dẫn và toàn bộ thông tin cần điền trước khi có mặt ở điểm hẹn.
Việc đăng ký và chọn lịch hẹn hoàn toàn trực tuyến, chỉ mất vài phút, bạn cũng sẽ hầu như không gặp hàng người chờ đến lượt tiêm hay xét nghiệm. Vậy mà có ngày, Đức tiêm được cho hơn 1,4 triệu người.
Chúng ta có thể tặc lưỡi, rằng Việt Nam - nước đang phát triển phải khác với nước công nghiệp hàng đầu chứ. Có lẽ việc phát phiếu tại chỗ để điền thông tin bằng bút, xếp hàng và chờ đợi hợp với ta hơn?
Nếu nghĩ vậy, bạn sẽ ngạc nhiên khi biết, hết năm 2020, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng Internet, đang thuộc top 10 các quốc gia có số người dùng điện thoại thông minh lớn nhất với khoảng 61 triệu, ngay sau Đức với 65 triệu người sử dụng loại thiết bị này.
Việt Nam có đủ nền tảng công nghệ để làm được như người Đức. Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia đã phát triển đầy đủ ba nền tảng quan trọng phục vụ phòng chống dịch. Đó là hệ thống khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra - vào địa điểm công cộng bằng mã vuông QR; hệ thống hỗ trợ lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm trực tuyến và quản lý tiêm chủng Covid-19.
Về bản chất, đây chính là những nền tảng công nghệ tương tự với những gì đã làm nên tính hiệu quả của người Đức trong việc tổ chức xét nghiệm nhanh và tiêm chủng diện rộng không xếp hàng.
Nếu tại các địa phương hiện nay, chúng ta chia nhỏ thêm nhiều điểm tiêm thay vì dồn vào một vài điểm và hẹn dân đến sát giờ nhau, triệt để áp dụng phần mềm đăng ký, xếp giờ xuống đến tận cấp phường, xã thì việc tránh dồn hàng đông người không khó. Thời gian cho người đi tiêm cũng như công sức xử lý giấy tờ cho cán bộ phòng chống dịch cũng được giảm thiểu.
Chính phủ đã yêu cầu Trung tâm Công nghệ thông tin phòng chống dịch Covid-19 quốc gia làm đầu mối kết nối, liên thông các dữ liệu hiện có và thống nhất một ứng dụng dùng chung trên toàn quốc để thuận tiện cho người dân. Đó là bước đi cầu thị.
Tới đây, khi có ứng dụng thống nhất dành cho ba nhu cầu cơ bản trong chống dịch là truy vết tiếp xúc, quản lý xét nghiệm và quản lý tiêm chủng như kinh nghiệm của các nước đi trước, được thiết kế thân thiện và chạy trơn tru, app cũng có thể kiêm nhiệm tích hợp hộ chiếu vaccine - app xanh - cho người dân ra đường mưu sinh và đi ra thế giới.
Tôi cũng đề nghị các kiến trúc sư xây app lưu ý tạo ra sự tương thích với các tiêu chuẩn của hệ thống công nghệ chống dịch đã được áp dụng ở nhiều nước, đặc biệt là các nước thuộc Liên minh châu Âu - nơi đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật cụ thể cho chứng chỉ xanh - chứng chỉ vaccine kỹ thuật số - hiện đang lưu hành toàn cầu.
Quản lý dịch bệnh thành công xét cho cùng phụ thuộc hành vi của mỗi cá nhân. Cá nhân hóa chống dịch lại phụ thuộc vào việc nhà nước có cung cấp công cụ đủ tốt để mỗi công dân vui vẻ thực thi nghĩa vụ của mình không.
Nguyễn Đình Quân