Bệnh nhân cho biết phẫu thuật nâng ngực với giá 6 triệu đồng, nhân viên spa cam kết "dùng sóng xung kích làm tăng thể tích vú". Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhân viên spa cho biết cần sử dụng dịch vụ sóng xung kích cao cấp hơn, yêu cầu bệnh nhân chi 20 triệu đồng và cho trả góp, trả sau.
Sau đó, bệnh nhân được nhân viên spa tiêm chất làm đầy (filler) không rõ loại và số lượng, cấy chỉ vào ngực. Hôm sau, bệnh nhân đau ngực, khó thở, nổi ban đỏ toàn thân, vào bệnh viện ở Bắc Giang cấp cứu. Đến khi ra viện, bệnh nhân vẫn quay lại spa để tiêm tan, rút chỉ, tiếp tục phát ban, đau ngực, dùng kháng sinh chống viêm gần một tháng mới đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám.
Các bác sĩ phẫu thuật ngực bệnh nhân hút ra 40 cc dịch vàng đục, xét nghiệm phát hiện vi khuẩn tụ cầu vàng trong chất dịch.
Ngày 9/5, bác sĩ Lưu Phương Lan, khoa Phẫu thuật Tạo hình và Vi phẫu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết bệnh nhân được tiêm filler không rõ chất gì, cũng không rõ tiêm vào vị trí nào và số lượng bao nhiêu. Vì vậy, phẫu thuật chỉ giải quyết được khối tổ chức dịch thể hiện trên phim chụp MRI, có thể còn những chất làm đầy trong nhu mô tuyến tiềm tàng chưa gây viêm và hoại tử nhu mô tuyến mà chưa được phát hiện.
"Bệnh nhân vẫn còn các nguy cơ viêm tấy áp xe vú, viêm xơ tuyến vú về sau", bác sĩ Lan nói, thêm rằng có rất nhiều trường hợp viêm tấy áp xe tuyến vú sau tiêm chất lạ nhiều lần. 5-10 hoặc 20 năm sau, bệnh nhân phải phẫu thuật nhiều lần để lấy hết filler gây tàn phá nhu mô tuyến vú, thậm chí cắt toàn bộ.
Theo bác sĩ Lan, khoa liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp biến chứng do tiêm filler nâng ngực ở spa, cơ sở thẩm mỹ. Nhiều người làm đẹp ở cơ sở không phép do chi phí rẻ, được trả góp. Tuy nhiên, những nơi này nhân viên thực hiện không có chứng chỉ hành nghề hoặc kỹ thuật non yếu, dụng cụ không đảm bảo vô trùng, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử nặng.
Lê Nga