Bệnh nhân tiêm filler tại một spa ở TP.HCM, song không rõ nguồn gốc sản phẩm. Sau tiêm một ngày, chị xuất hiện khối sưng, nóng, đỏ, đau vùng cằm, kèm các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt. Bệnh nhân tự sử dụng thuốc kháng sinh nhưng tổn thương không hết, bị chảy dịch mủ trong miệng, nên đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám.
Ngày 21/2, bác sĩ Vũ Nguyên Bình, khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng, cho biết bệnh nhân bị áp xe cằm sau tiêm filler. Bác sĩ đã chích rạch lấy khối filler nhiễm trùng ở vùng cằm, điều trị thuốc toàn thân kết hợp với chăm sóc tại chỗ.
Các triệu chứng sưng nóng đỏ đau vùng cằm giảm dần, song vẫn có nguy cơ tái phát do không thể lấy bỏ toàn bộ filler ra khỏi vùng tổn thương và vùng cằm để lại sẹo.
Tiêm filler là thủ thuật tiêm chất làm đầy vào dưới da cải thiện các khuyết điểm trên khuôn mặt, khiến vẻ ngoài trẻ trung, xinh đẹp hơn. Đây là một phương pháp ít xâm lấn, hiệu quả cao, nhưng cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa.
Tuy nhiên, với tâm lý ngại đến bệnh viện, thích giá rẻ, nhiều người lựa chọn điều trị tại các cơ sở thẩm mỹ "chui", bởi những người không có tay nghề. Nhiều cơ sở thẩm mỹ sử dụng sản phẩm filler không rõ nguồn gốc, kém chất lượng hoặc đã bị cấm sử dụng.
"Điều này có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như tắc mạch, hoại tử tổ chức, có thể gây mù vĩnh viễn nếu khối filler làm tắc động mạch mắt", bác sĩ Bình nói, thêm rằng nếu sử dụng filler kém chất lượng hoặc bị cấm sử dụng sẽ hình thành nên các dị vật trong da, u hạt, khối sưng viêm, gây nhiễm trùng tái phát nhiều đợt, khó có thể điều trị dứt điểm.
Vì vậy, người có nhu cầu làm đẹp nên thực hiện thủ thuật tiêm filler tại các cơ sở y tế uy tín, các bệnh viện được cấp phép hoạt động. Cần hỏi kỹ các thông tin về loại filler sắp sử dụng, người thực hiện thủ thuật tiêm filler, để tránh các biến chứng không mong muốn có thể xảy ra.
Lê Nga