Tiến sĩ Claire Steves, bác sĩ lão khoa tại Cao đẳng King London, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết trong báo cáo xuất bản trên tạp chí Lancet: "Đây có thể là công trình đầu tiên cho thấy khả năng mắc Covid-19 kéo dài giảm ở mức đáng kể, xuống một nửa sau khi tiêm vaccine".
Sau khi mắc bệnh, nhiều người hồi phục trong vài tuần. Song số khác gặp phải triệu chứng lâu dài, có thể gây suy nhược thể chất. Các triệu chứng phổ biến bao gồm mệt mỏi, khó thở, sương mù não (một dạng rối loạn chức năng nhận thức), tim đập nhanh và một số biểu hiện khác. Song tình trạng này còn nhiều điều chưa sáng tỏ.
"Hiện chưa có phương pháp điều trị Covid-19 kéo dài", tiến sĩ Steves nói. Theo bà, tiêm chủng là "chiến lược phòng ngừa dành cho tất cả mọi người".
Phát hiện mới, công bố ngày 1/9, bổ sung kiến thức vào kho nghiên cứu về hiện tượng nhiễm nCoV đột phá ở người đã tiêm chủng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) xác nhận biến thể Delta dễ lây lan gây ra tình trạng này nhiều hơn so với những phiên bản khác của virus. Dù vậy, triệu chứng ở người tiêm đủ hai liều vaccine vẫn nhẹ hơn.
Nghiên cứu mới dựa trên dữ liệu sức khỏe từ hơn 1,2 triệu người. Các tình nguyện viên dùng ứng dụng di động để ghi lại các triệu chứng, kết quả xét nghiệm và hồ sơ tiêm chủng. Người tham gia được chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất đã nhận ít nhất một liều vaccine Pfizer, Moderna hoặc AstraZeneca kể từ ngày 8/12 năm ngoái đến ngày 4/7 năm nay. Nhóm đối chứng là những người chưa tiêm chủng.
Các chuyên gia nhận thấy trong số gần một triệu người đã tiêm chủng đầy đủ, 0,2% nhiễm nCoV đột phá. Tỷ lệ không triệu chứng cao gấp đôi so với người chưa tiêm vaccine, tỷ lệ nhập viện cũng thấp hơn 73%. Ngoài ra, tỷ lệ người đã tiêm vaccine có triệu chứng kéo dài ít nhất 4 tuần sau nhiễm bệnh cũng thấp hơn 49%.
"Ngay từ đầu, vaccine giảm nguy cơ nhiễm trùng rất nhiều", tiến sĩ Steven nói. Điều này cũng có nghĩa tiêm chủng giúp giảm tỷ lệ mắc Covid-19 kéo dài.
Các chuyên gia thừa nhận nghiên cứu còn nhiều hạn chế, một trong số đó là việc bệnh nhân được tự báo cáo dữ liệu. Covid-19 kéo dài cũng là vấn đề khó phân tích, với phạm vi triệu chứng rộng, độ nghiêm trọng khác nhau.
Song tiến sĩ Steves hy vọng phát hiện mới có thể khuyến khích người trẻ tuổi đi tiêm chủng. Đây là nhóm bị tụt lại trong chương trình triển khai vaccine. Người trẻ ít có nguy cơ chuyển nặng sau nhiễm virus, song họ vẫn có thể chịu các triệu chứng Covid-19 lâu dài và lây bệnh cho người khác.
"Không làm việc được bình thường trong 6 tháng có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của mọi người. Vì vậy, nếu chứng minh được rằng vaccine làm giảm nguy cơ mắc Covid-19 kéo dài, chúng ta sẽ giúp thúc đẩy họ (thanh thiếu niên) tiêm vaccine", bà Steves nói.
Thục Linh (Theo NY Times)