Thứ tư, 25/12/2024
Thứ năm, 23/10/2014, 06:00 (GMT+7)

Tiêm chích ma túy dưới chân cầu quay Hải Phòng

Kể từ khi cầu đường bộ Tam Bạc được xây dựng song song với cầu quay xe lửa, khu vực này trở thành tụ điểm thu hút người buôn bán, nghiện ma túy lui tới hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Bà Nguyễn Thị Thắng, Chủ tịch UBND phường Cát Dài, cho biết từ khi có cầu đường bộ Tam Bạc (khánh thành 5/2013) chạy song song với cầu quay xe lửa, khu vực chân cầu trở thành tụ điểm nóng về nạn buôn bán, hút chích ma túy và trú ngụ của nhiều người nghiện. Người dân 2 tổ dân phố 16, 17, nơi nhiều người nghiện cư trú, đã nhiều lần phản ánh lên UBND phường.

Theo người dân, khi chưa có cầu Tam Bạc, người nghiện đến khu vực đường tàu mua ma túy và lén lút chích xong là tản đi khắp nơi, nhưng bây giờ họ đến vạ vật, ngủ nghỉ luôn tại đây. Nhiều đêm con nghiện trèo lên nóc nhà dân, mò mẫm xem nhà ai sơ hở là trộm cắp. 

Ma túy được mua bán và trao đổi công khai trên cầu. Người phụ nữ đội mũ xanh cầm một túi nylon lên trên cầu và dừng lại trao đổi với rất nhiều nam giới.

Người phụ nữ này còn thực hiện dịch vụ tiêm chích cho những ai có nhu cầu. Theo lãnh đạo thành phố Hải Phòng công bố tại cuộc họp báo sau vụ hàng trăm học viên cai nghiện tại trung tâm Gia Minh phá trại bỏ về, Hải Phòng có khoảng 8.000 người nghiện ma túy, trong đó 2 trung tâm cai nghiện Gia Minh và Đại Thắng (Tiên Lãng) mới có chưa đến 2.000 người vào cai. Như vậy, số người nghiện ma túy ngoài xã hội còn con số không hề nhỏ.

Theo bà Nguyễn Thị Thắng, phường Cát Dài đã chỉ đạo lực lượng công an xua đuổi cả người bán và con nghiện, nhưng do đó là nơi giáp ranh giữa nhiều phường, có tuyến đường sắt chạy qua nên khi thấy bóng dáng công an là họ đi tản sang phường bên. Nhiều khi anh em đi làm ức chế với nhóm người này nhưng không xử lý được. “Bắt không bắt được, thu gom đưa vào các trung tâm cai nghiện thì gặp hàng loạt các rào cản”, vị chủ tịch bộc bạch.

Lãnh đạo phường Cát Dài đã đề nghị thành phố Hải Phòng cần phân định rạch ròi, giao quyền quản lý cho một đơn vị cụ thể để ràng buộc trách nhiệm. Hiện tại dưới chân cầu do thành phố quản lý đang trở thành điểm đổ phế thải và là nơi trú ngụ lý tưởng cho con nghiện.

Ông Nguyễn Bách Phái, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Phòng cho biết, việc đưa người nghiện ma túy vào các trung tâm cai nghiện rất khó thực hiện bởi vướng ở Nghị định 221/2013/NĐ. Từ đầu năm 2014 đến nay, thành phố chưa đưa được người nghiện ma túy nào vào trung tâm để cai nghiện theo diện bắt buộc.

Vỏ Invocain dùng để pha chế ma túy vứt lăn lóc trên thành cầu.

Tại điểm 2 của Nghị định quy định, người bị đưa vào trung tâm cai nghiện trước hết là người nghiện ma túy và vi phạm tại nơi cư trú hoặc tạm trú nhưng phải là nơi người đó tường xuyên sinh sống. Trong khi đó tại mục a, khoản 1, Điều 8, Chương 2 của Nghị định lại quy định: “Trường hợp người vi phạm có nơi cư trú không thuộc xã, phường, thị trấn nơi xảy ra vi phạm thì bàn giao người và biên bản vi phạm cho cơ quan công an nơi đối tượng cư trú để tiến hành lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc…”.

Trong khi đó, trên thực tế, người nghiện ma túy rất ít khi thực hiện hành vi chích hút ngay tại địa phương mình nên để đưa được họ vào trung tâm cai là cả một vấn đề lớn. Ông Phái kiến nghị, các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm để làm cơ sở cho việc đưa người nghiện vào các trung tâm cai của nhà nước.

Giang Chinh