Chú chó giống Collie lông đen trắng, được đặt tên theo loại sữa chua Nhật Bản, đang cùng 11 thú cưng khác ăn tiệc tất niên ở nhà hàng Kongshan Yunnan, TP Thượng Hải.
Tiệc diễn ra cận Giao thừa Tết Nguyên đán 2025. Phong tục tất niên quen thuộc đối với người Trung Quốc để các gia đình sum vầy, kết thúc năm cũ và đón chào năm mới. Tuy nhiên, nó đang diễn ra với thú cưng.
Giới trẻ Trung Quốc đang lựa chọn thú cưng nhiều hơn sinh con. Báo cáo nghiên cứu tháng 7/2024 của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ), dự kiến đến cuối năm nay, số thú cưng ở các thành phố của Trung Quốc sẽ nhiều hơn nhóm trẻ nhỏ dưới 4 tuổi. Đến năm 2030, tỷ lệ này là gấp đôi.
Goldman nhận thấy thức ăn cho vật nuôi là một trong những ngành tiêu dùng phát triển nhanh nhất tại Trung Quốc. Doanh số tăng trung bình 16% mỗi năm trong giai đoạn 2017-2023 đã tạo ra ngành công nghiệp trị giá 7 tỷ USD và dự kiến lên 12 tỷ USD vào năm 2030. Đây là một bước tiến xa so với hai thập kỷ trước khi việc nuôi chó, mèo vẫn được coi là thú vui của giai cấp tư sản hoặc nuôi để trông nhà.
Các nhà hàng nhanh chóng nắm bắt xu hướng này để ra mắt loại hình tiệc tất niên cho thú cưng.
"Cậu ấy là bạn tâm giao của tôi", Momo Ni, 27 tuổi, chủ của Yakult, nói. "Chú chó mang đến cho tôi rất nhiều sự hỗ trợ về mặt tinh thần". Do đó, cô muốn dùng bữa tất niên với thú cưng của mình, cũng là cách để chú chó cảm nhận được không khí Tết Nguyên Đán.
Từ khóa #tất niên với thú cưng đã nhận được hàng trăm nghìn lượt quan tâm trên nền tảng mạng xã hội RedNote. Dịch vụ tiệc gồm món ăn từ nguyên liệu tươi sống, đồ đóng hộp đang chiếm đa số.
Một số công ty chuyên món ăn truyền thống Trung Quốc, chẳng hạn như vịt tam bảo, cũng ra mắt sản phẩm dành cho thú cưng, phù hợp với khẩu vị của chúng.
Bà Gu Jiayu, chủ nhà hàng Kongshan Yunnan, nói dạng tiệc tất niên cho thú cưng là cơ hội để khách hàng kết nối nhiều hơn với vật nuôi của họ. Trong khi khách hàng thưởng thức món gà hầm nấm, những chú chó được cho ăn gà xé, xà lách hoặc các món ăn vặt đóng hộp.
"Ngày nay, người trẻ ở các thành phố lớn đang chịu nhiều căng thẳng", bà nói" Do đó, họ xem thú cưng là bạn đồng hành, thậm chí là con cái của mình.
Ngành hàng chăm sóc thú cưng ở Trung Quốc, bao gồm thức ăn và các sản phẩm vệ sinh, thực phẩm chức năng, đã tăng trưởng gần 40% kể từ năm 2020. Thị trường này đạt giá trị 13 tỷ USD vào năm 2024, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu Euromonitor.
Daisy Xu, 28 tuổi, đặt tên cho chú chó của mình là Rousong, theo tên một món ăn vặt nổi tiếng ở Trung Quốc.
"Ngoài bữa tất niên, ba mẹ tôi cũng sẽ tặng cho chó một bao lì xì", cô nói.
Ngọc Ngân (Theo Straits Times, CNN)