Chiều 15/2, trong căn nhà nhỏ tại khu tập thể Thành Công, Hà Nội, bà Ri Yong Hui và chồng là ông Phạm Ngọc Cảnh đang tất bật chuẩn bị cho buổi tiệc tối ở đại sứ quán Triều Tiên tại Việt Nam nhân dịp kỷ niệm lần thứ 77 ngày sinh của nhà lãnh đạo Kim Jong IL. Từ những năm 1990, người đàn ông, hiện 69 tuổi, đã trở thành khách mời thân thiết của đại sứ quán đất nước này.
"Hiện nay, tôi là chàng rể Việt duy nhất của đất nước Triều Tiên đấy", ông Cảnh vui vẻ khoe tấm thiệp mời dự tiệc.
Để trở thành rể một đất nước cấm công dân kết hôn với người nước ngoài là hành trình dài những nhớ nhung, lo lắng và nỗ lực không ngừng của Phạm Ngọc Cảnh.
Người đàn ông tóc đã ngả bạc kể, năm 1967, ông là một trong 200 sinh viên Việt Nam được cử đến Triều Tiên học hỏi các kỹ năng cần thiết phục vụ việc kiến thiết đất nước sau chiến tranh. Bốn năm sau đó, trong lần thực tập tại một nhà máy thuộc miền đông của đất nước này, chàng sinh viên gặp Ri Yong Hui – cán bộ phân tích hóa học tại phòng thí nghiệm. Ngay từ giây phút đó, Cảnh đã say đắm cô gái Triều Tiên nhỏ nhắn, đằm thắm. Bà Ri Yong Hui cũng đáp lại người đàn ông ngoại quốc với ánh nhìn chất chứa yêu thương.
Tuy nhiên, do cả hai nước đều có lệnh cấm công dân kết hôn với người nước ngoài nên họ chỉ có thể âm thầm gặp nhau, trao những lá thư khô khan cho người mình thương. Về sau, Việt Nam bỏ lệnh cấm này nhưng Triều Tiên thì vẫn giữ.
Sau khi về nước, thời gian đầu, những lá thư vẫn đều đặn được gửi đi, nhưng khi những biến cố chính trị xảy ra, họ không còn liên lạc được. Cũng vì vậy, đang đảm nhiệm vai trò kỹ sư ở Tổng cục Hóa chất, ông chuyển sang làm tại Sở Thể dục thể thao Hà Nội, nơi có các chuyên gia Triều Tiên dạy Taekwondo với hy vọng dò la được nhiều hơn tin tức của người yêu.
Khoảng năm 1991, Phạm Ngọc Cảnh đứng lên kêu gọi thành lập CLB Hữu nghị Việt- Triều nhằm kết nối những anh em bạn bè đã và đang học tập ở nước bạn.
Cuối những năm 1990, biết tin Triều Tiên gặp hạn hán, lương thực thiếu thốn nghiêm trọng, Cảnh nghĩ đó chính là cơ hội vàng để mình ghi điểm với "họ nhà gái". Ông lập tức lên kế hoạch kêu gọi bạn bè cùng chung tay ủng hộ tiền mua gạo gửi Triều Tiên.
Nhiều ngày liền, Cảnh hì hụi ngồi viết thư mời gửi đến từng người trong CLB Hữu nghị Việt – Triều. Người nào ở xa, ông mang thư đến bưu điện gửi, có người ở tận Long Biên, Hoài Đức (Hà Nội) ông vẫn tự chạy xe máy đến tận nhà trao. Thời điểm đó, một cuộc họp kêu gọi ủng hộ lương thực cho Triều Tiên với hơn 50 thành viên trong CLB đã diễn ra ở Hà Nội. Sau cuộc vận động, số tiền tương đương với 7 tấn gạo được chuyển đến quê hương người yêu Cảnh giữa những ngày thiếu thốn lương thực nhất.
Năm 1992, ông có cơ hội trở lại Triều Tiên nhân một giải thi đấu thể thao. Trước khi sang nước bạn, Phạm Ngọc Cảnh đến cửa hàng sơn mài đặt hai bức tranh, mỗi bức dài một mét nhờ ban tổ chức gửi tặng lên lãnh tụ của Triều Tiên.
Sau khi gửi tặng 2 bức tranh, các thành viên của đoàn thể thao Việt Nam được ông Kim Nhật Thành gửi tặng mỗi người một món quà. Cảnh được tặng một bộ ấm chén màu xanh. Ông nâng niu như một giải thưởng của riêng mình. Đó cũng là một tín hiệu tốt giúp ông thêm động lực nuôi dưỡng tình yêu.
Ông cũng từng viết cho chủ tịch Kim Nhật Thành 3 bức thư kể về cuộc tình của mình và Ri Yong Hui với mong cầu chủ tịch Kim trao cơ hội được sống với người yêu suốt đời. Viết xong bức thư nào, ông lấy máy ảnh chụp lại để nhớ, vì sợ những ý tứ mình nói trùng nhau, người đọc sẽ không còn muốn tiếp nhận.
Không chỉ tự mình gây thiện cảm với "họ nhà gái", ông còn đệ đơn nhờ Bộ Ngoại giao giúp đỡ. Năm 2002, biết tin Chủ tịch nước khi đó là ông Trần Đức Lương và Bộ trưởng bộ Ngoại giao Phạm Dy Niên có chuyến hội đàm tại Triều Tiên, Cảnh gửi thư nhờ người đứng đầu nhà nước can thiệp giúp. Tại buổi hội đàm của hai quốc gia, một mục cuối trong chương trình có tên "Nhân đạo" đưa đến câu chuyện tình của ông Cảnh và người con gái Triều Tiên.
Mưa dầm thấm lâu, 7 tháng sau cuộc hội đàm, Phạm Ngọc Cảnh được "nhà gái" cho phép kết hôn. Người đàn ông đã 54 tuổi khi đó là phẳng lại bộ com lê rồi rút số tiết kiệm đi mua chè, rượu, kẹo bánh và một cặp nhẫn cưới, một mình sang Triều Tiên "hỏi vợ". Qua Bắc Kinh, Trung Quốc, ông mua thêm mấy cân thịt bò, thịt lợn để làm mâm cơm trong ngày tổ chức đám cưới tại quê người yêu.
Lần đầu tiên gặp nhau sau hơn 30 năm cũng chính là ngày cưới của Phạm Ngọc Cảnh và Ri Yong Hui tại đại sứ quán Việt Nam ở Triều Tiên. Người con gái của ông Cảnh lúc này 55 tuổi, những nếp nhăn đã xô đổ vẻ thanh tú trên gương mặt của người phụ nữ dành cả tuổi trẻ chờ người yêu quay lại.
"Nhìn nhau, tôi nói với cô ấy 'chúng mình vất vả quá nhỉ'. Vợ tôi chỉ im lặng gật đầu nhưng nước mắt rơi", ông nhớ lại.
Sau hôn lễ tại "họ nhà gái", ngày 13/12/2002, ông Phạm Ngọc Cảnh và vợ đã tổ chức cưới lần 2 tại Sở Thể dục thể thao Hà Nội. Rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp, đại diện bộ Ngoại giao và đại sứ Triều Tiên đã đến chúc mừng.
Ngày hôm đó, ai cũng vui với hạnh phúc của cô dâu, chú rể nhưng trong lòng ông Hoàng Vĩnh Giang, chủ hôn và là giám đốc Sở Thể dục thể thao Hà Nội khi đó vẫn man mác một nỗi buồn. Ông bảo đó là câu chuyện tình buồn và cảm động nhất mình từng chứng kiến.
"Có lẽ, ngày cưới hôm đó, nhiều người cùng chung cảm xúc như tôi. Cả anh Cảnh và vợ đều đã già rồi, chẳng thể có con được nữa. Giá như hạnh phúc có thể đến với họ sớm hơn", giọng nguyên giám đốc Sở Thể dục thể thao Hà Nội trầm lại.
Không thể có với nhau một đứa con, đó cũng chính là điều ông Cảnh tiếc nhất trong cuộc tình duy nhất của đời mình. Ông là con cả trong một gia đình có 4 người con. Hai người em gái đã lập gia đình. Một người em 63 tuổi, trí não không bình thường nên vẫn sống với anh trai từ khi còn nhỏ. Khi còn trai trẻ, bố nhiều lần giục cậu con trai duy nhất cưới vợ, nhưng Cảnh hoặc cười trừ, hoặc nói chưa tìm được người như ý.
"Khi cưới, tôi đã 54 tuổi, cô ấy 55 tuổi, chẳng thể sinh con được nữa. Đó là cái giá phải trả để có được điều mình nỗ lực nhiều năm mới có được", người đàn ông tuổi 69 nhìn về phía cây bàng đã rụng gần hết lá trước cửa nhà.
Nhật Minh