Bộ Giáo dục và Đào tạo ý định đưa vào các môn tích hợp thuộc nhóm khoa học xã hội và xác định vị trí tự chọn của môn Lịch sử ở cấp THPT đang tạo ra cơn sóng dư luận. Những ý kiến phản đối mạnh mẽ, quyết liệt nhất đến từ các nhà nhà sử học và các giáo viên dạy môn Lịch sử tại trường phổ thông. Nhiều ý kiến cho rằng ý định trên một khi được thực hiện sẽ khai tử môn Sử vì sẽ không có mấy học sinh chọn nó.
Trong đó có cả ý kiến phản đối quyết liệt “dạy học tích hợp” và khẳng định môn Lịch sử phải đứng độc lập chứ không thể tích hợp với bất cứ môn học nào. Cuộc tranh luận giữa Bộ Giáo dục với bên phản đối ngày càng quyết liệt làm công chúng bối rối. Vậy thực tế địa vị độc lập của môn Lịch sử có cần thiết và mâu thuẫn với dạy học tích hợp hay không?
Tích hợp cần hay không?
Nhìn vào lịch sử giáo dục và thực tế hiện tại của nền giáo dục các nước tiên tiến có thể khẳng định ngay rằng tích hợp thực ra theo ý tôi phải gọi là tổng hợp mới thể hiện đúng bản chất là một xu thế, một nguyên lý phổ biến. Đối với nhóm các môn xã hội, sự tích hợp thể hiện tập trung nhất trong môn Nghiên cứu xã hội (Social Studies). Môn học này xuất hiện trên thế giới cách nay cả trăm năm. Ở Nhật, môn học này xuất hiện lần đầu năm 1947 trong cuộc cải cách thời hậu chiến và thường được gọi vắn tắt là môn Xã hội.
Cuốn Từ điển giáo dục môn Xã hội (NXB Gyosei, 2000) có tính chất như cẩm nang dành cho giáo viên của Nhật định nghĩa “Social Studies là môn giáo khoa về Xã hội ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Mục tiêu của nó là thông qua hiểu biết về xã hội, giáo dục cho học sinh phẩm chất với tư cách là thành viên của xã hội dân chủ hay nói cách khác là phẩm chất công dân”.
Trải qua thời gian dài với biết bao thăng trầm, môn Xã hội vẫn tồn tại ở ba cấp học ở Nhật và là môn bắt buộc. Trong môn này, ở tiểu học, học sinh lớp 3 và lớp 4 sẽ học về xã hội địa phương, lớp 5 học về địa lý và lãnh thổ Nhật Bản và lớp 6 học về Lịch sử, chính trị Nhật Bản. Đến bậc THCS, môn Xã hội rẽ nhánh thành 3 lĩnh vực: Địa lý, Lịch sử, Công dân. Các trường thông thường sẽ bố trí năm thứ nhất và năm thứ hai học song song Địa lý và Lịch sử để năm cuối học Công dân. Mục đích của việc này là giúp học sinh sử dụng tổng hợp kiến thức và tư duy Địa lý, Lịch sử đã học để tìm hiểu và giải quyết các vấn đề thực tiễn của đời sống xã hội trong lĩnh vực Công dân ở năm cuối.
Ở bậc THPT, môn Xã hội được phân hóa thành phân môn Địa lý - Lịch sử và Công dân. Trong Địa lý - Lịch sử sẽ lại chia ra thành các môn nhỏ hơn như Lịch sử Nhật Bản A, Lịch sử Nhật Bản B, Lịch sử thế giới A, Lịch sử thế giới B, Địa lý A, Địa lý B. Trong Công dân lại chia thành Xã hội hiện đại, Kinh tế - chính trị, Luân lý. Môn Địa lý - Lịch sử là bắt buộc nhưng trong nhóm Địa lý - Lịch sử học sinh sẽ được lựa chọn mức độ A hay B tùy theo năng lực và sở thích. Nhìn vào chương trình giáo dục của các nước tiên tiến khác cũng sẽ thấy sự hiện diện tương tự của môn Nghiên cứu xã hội.
Vấn đề là tích hợp như thế nào?
Tích hợp là một hướng đi đúng phù hợp với xu thế của thế giới, nhưng vấn đề lớn nhất đặt ra cho Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là tích hợp như thế nào? Nói một cách thẳng thắn thì dự thảo chưa làm rõ được điều này và những người có trách nhiệm giải trình đã thể hiện sự lúng túng khi bị phản biện. Chương trình dự thảo và các giải thích được đưa ra chưa làm rõ và nổi bật bản chất của tích hợp.
Chuyện Bộ Giáo dục đưa môn Công dân với Tổ quốc với tư cách là môn tích hợp lịch sử ra để “đỡ đòn” trước cơn bão dư luận cho rằng việc đưa vào môn học này và đặt môn Lịch sử ở vị trí “tự chọn” là “khai tử” môn Sử đã thể hiện rõ điều đó. Sự phản ứng gay gắt của dư luận là dễ hiểu vì nhìn vào tên gọi và những gì phía Bộ Giáo dục giải thích xoay quanh môn học này dễ nhận thấy đây là môn học chủ yếu trình bày, giải thích, tuyên truyền chính sách pháp luật của nhà nước và nghĩa vụ của công dân hơn là môn học tích hợp.
Lẽ ra để biện luận cho vai trò của môn học tích hợp Bộ Giáo dục phải dẫn ra vai trò của môn Khoa học xã hội mới hợp lý. Để tích hợp nội dung lịch sử thì đây sẽ là môn xương sống đảm nhận vai trò trung tâm suốt cả ba cấp học. Nếu như môn học không làm tròn vai trò này thì việc thực thi tích hợp trở thành vô nghĩa. Tuy nhiên, cách hiểu về tích hợp thể hiện trong dự thảo chương trình còn nhiều vấn đề đáng bàn về mặt học thuật.
Bản chất của dạy học hay học tập tích hợp trong các môn Xã hội phải coi trọng hiện tại, lấy các vấn đề bức xúc, thiết thực của xã hội hiện tại mà học sinh là thành viên làm điểm xuất phát để thiết kế các chủ đề học tập. Các chủ đề học tập như ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, phúc lợi xã hội, chiến tranh và hòa bình, quyền con người... giống như ngã tư đường, sẽ trở thành nơi gặp gỡ của các ngành khoa học có liên quan. Và khi giáo viên tổ chức cho học sinh tìm hiểu về các chủ đề đó, tìm kiếm phương hướng giải quyết nó, các em sẽ phải sử dụng tư duy, phương pháp và kiến thức của nhiều ngành khoa học có liên quan.
Mục đích của việc học tập như vậy là hướng vào giáo dục nên người công dân với phẩm chất và năng lực phù hợp với xã hội hiện đại. Đáng tiếc rằng ở trong dự thảo chương trình tổng thể, lý luận này thể hiện mờ nhạt thậm chí không xuất hiện. Các nhà sử học và dư luận chỉ trích gay gắt coi dạy học tích hợp chỉ là sự cắt xén, lắp ghép các môn học có lẽ cũng xuất phát từ yếu điểm này. Bản thân tên gọi của môn học là Khoa học xã hội thay vì Nghiên cứu xã hội cũng phần nào nói lên điều ấy.
Tích hợp có mâu thuẫn với các môn học độc lập?
Đọc các ý kiến phản đối chủ trương của Bộ Giáo dục có cảm giác giữa dạy học tích hợp và sự tồn tại độc lập của môn Lịch sử có sự mâu thuẫn không thể dung hòa. Tuy nhiên trên thực tế, chúng có thể tồn tại và tương trợ lẫn nhau. Ở Nhật Bản có sự tồn tại song song của cả các môn tích hợp và môn độc lập. Đối với giáo dục lịch sử, môn tích hợp mà cụ thể ở đây là môn Khoa học xã hội (Nghiên cứu xã hội) sẽ chú trọng học tập giải quyết vấn đề, nhắm vào giáo dục phẩm chất công dân trong khi môn Lịch sử với tư cách là môn độc lập nhắm vào giáo dục tư duy và phương pháp sử học.
Ở Việt Nam hiện tại, nếu môn Lịch sử không có cam kết đổi mới thật sự để trở thành môn khoa học hấp dẫn học sinh thì việc tự chọn là một giải pháp có tính chất hoãn binh tạm thời giúp giảm nhẹ áp lực lên vai học sinh và nỗi lo cho Bộ Giáo dục mỗi khi mùa thi đến. Tuy nhiên, về lâu dài kế sách này sẽ trở thành... thất sách.
Biện pháp giải quyết đẹp nhất có thể làm lúc này là một mặt phải đảm bảo môn Lịch sử trở thành môn học thực sự khoa học, hấp dẫn tôn trọng tính đa dạng trong nhận thức lịch sử của học sinh và coi nó là điều kiện tiên quyết để trở thành môn bắt buộc, đồng thời tái xem xét, nghiên cứu thật kỹ để các môn tích hợp thể hiện được bản chất thật sự của nó.
Cả hai việc trên chỉ có thể làm được bằng các nghiên cứu bình tĩnh, công phu, trung thực và dựa trên thông tin thu được từ thực tiễn giáo dục trong nước ở nhiều địa phương khác nhau.
Nguyễn Quốc Vương
Nghiên cứu sinh ngành giáo dục tại Nhật Bản