Hy Lạp chưa hết khó khăn dù đã được cứu trợ. Ảnh: AP |
Gói cứu trợ hơn 40 tỷ USD cho Hy Lạp sẽ được tung ra dưới hình thức các khoản cho vay song phương trong năm đầu tiên và sau đó sẽ được nâng lên mức cao hơn vào năm 2011 và 2012. Lãi suất vay thời hạn 3 năm dự kiến thấp nhất là 5%, thấp hơn so với mức lợi tức 8% của trái phiếu chính phủ Hy Lạp vào cuối tuần trước, nhưng vẫn cao hơn mức lãi suất cho vay đối với Bồ Đào Nha – một trong những quốc gia thành viên có nền kinh tế yếu kém thuộc khu vực đồng tiền chung euro.
Theo nhận định của The Economist lãi suất như trên là nhằm hỗ trợ Hy Lạp giảm bớt áp lực căng thẳng từ các thị trường và xoa dịu phản ứng gay gắt của Đức – nền kinh tế có ảnh hưởng nhiều nhất trong khối EU trong việc kêu gọi các nước hạn chế trợ cấp cho một quốc gia lầm lạc và hoang phí như Hy Lạp. Không nhận được sự ủng hộ từ Đức, Hy Lạp tất yếu sẽ gặp khó khăn, nhưng khoản vay từ 15 nước còn lại cùng với sự hỗ trợ 15 tỷ euro từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể vẫn đủ đáp ứng nhu cầu vốn. Mức lãi suất và điều kiện cho vay của IMF được kỳ vọng sẽ nằm trong khả năng của Hy Lạp.
Với vai trò là nền kinh tế dẫn đầu khối EU, Đức sẽ có trách nhiệm nhiều hơn so với các nước khác về gói cứu trợ Hy Lạp. Các ngân hàng Đức hiện nắm giữ số lượng lớn trái phiếu chính phủ Hy Lạp và có thể sẽ là các định chế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong trường hợp Hy Lạp vỡ nợ. Thế nhưng trong thời gian kinh tế toàn cầu suy thoái, Đức lại là nước chống đối mạnh mẽ việc cứu trợ Hy Lạp. Việc Đức kiên định đối với các luật lệ hà khắc về cứu trợ của EU, cũng như kêu gọi các nước không tham gia cứu trợ Hy Lạp có thể sẽ để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp của thế giới về giới chức chính phủ nước này.
Cùng với sự ủng hộ của Cộng hòa Áo và Hà Lan, Thủ tướng Đức bà Angela Merkel giữ nguyên quan điểm Hy Lạp sẽ phải hoàn trả các khoản cứu trợ với mức lãi suất thị trường, cho thấy hàm ý đòi hỏi Hy Lạp phải chấp nhận mức lãi suất cao mà nước này có thể không kham nổi. Ngoài ra, Đức còn cho rằng việc cứu trợ một quốc gia không màng tới luật lệ có thể sẽ gây ra rủi ro tiềm ẩn đối với chủ trương đảm bảo tính bình ổn đồng euro.
Thủ tướng Luxembourg ông Jean-Claude Juncker, kiêm Chủ tịch Nhóm đồng euro ( Eurogroup) nhấn mạnh gói cứu trợ nếu được triển khai vẫn không liên quan tới cụm từ “không cứu trợ” được đưa ra trong hiệp ước EU trước đây, nhưng vẫn xác định rằng “các khoản vay đều là các khoản vay có hoàn trả và không trợ cấp”.
Nhận được tín hiệu mừng về gói cứu trợ trong cuộc đàm phán vào ngày 12/4 giữa ba bên ECB – Hy Lạp và IMF, nhưng thực khó có thể phủ nhận thất bại của Hy Lạp trong việc huy động vốn từ thị trường trái phiếu, cũng như khôi phục niềm tin vào triển vọng nợ công của nước này. Bằng chứng cho sự thất bại của Hy Lạp được khẳng định, sau khi hãng đánh giá định mức tín nhiệm Fitch Ratings công bố 5 ngân hàng lớn của Hy Lạp bị rớt hạng tín nhiệm xuống còn BBB- và ước tính của Reuters cho thấy Hy Lạp sẽ cần huy động khoảng 80 tỷ euro trong vòng 3 năm tới để trang trải thâm hụt.
Một số chuyên gia nhận định nỗi lo Hy Lạp vỡ nợ có thể được xoa dịu trong ngắn hạn, nhưng khi kinh tế phục hồi có thể sẽ làm phát sinh các yêu cầu bình ổn hệ thống tài chính và tránh các rủi ro có thể lặp lại. The New York Times đưa tin IMF vừa yêu cầu các ngân hàng lớn trả tiền phạt dựa trên mức độ rủi ro mà họ đã gây ra cho hệ thống tài chính toàn cầu. Yêu cầu phạt được nhận định nhằm mang lại sự ổn định cho toàn bộ hệ thống, nhưng sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng mức phí.
Nội dung báo cáo của IMF về tính rủi ro hệ thống và các khía cạnh khác trong việc bình ổn tài chính toàn cầu sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc Hội nghị mùa xuân vào tuần sau. Trong đó, nội dung gây nhiều tranh cãi nhất là làm thế nào để bù đắp chi phí khủng hoảng tài chính. Vấn đề IMF đưa ra tương tự với vấn đề về “Phí Trách nhiệm Khủng hoảng Tài chính” mà Tổng thống Barack Obama từng yêu cầu phố Wall trả cho các gói cứu trợ được tung ra vào năm 2008.
Ngọc Ngân