Giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon diễn ra gần như hàng ngày kể từ khi chiến sự bùng phát tại Dải Gaza đầu tháng 10/2023, nhưng hai bên vẫn tỏ ra kiềm chế suốt gần một năm qua.
Tình hình bắt đầu nóng lên khi hàng loạt máy nhắn tin, bộ đàm của Hezbollah tại Lebanon đồng loạt phát nổ, làm ít nhất 39 người chết và gần 3.000 người bị thương. Hezbollah cáo buộc Israel là thủ phạm và thề sẽ trả đũa, trong khi Tel Aviv chưa thừa nhận hay phủ nhận.
Quân đội Israel hôm 20/9 không kích khu vực ngoại ô phía nam thủ đô Beirut của Lebanon, khiến Ibrahim Aqil, người đứng đầu đơn vị tinh nhuệ Radwan của Hezbollah, cùng khoảng 10 chỉ huy cấp cao của nhóm thiệt mạng.
Căng thẳng leo lên nấc thang mới ngày 23/9, khi Israel không kích khoảng 1.600 vị trí ở miền nam và miền đông Lebanon, khiến gần 500 người thiệt mạng và hơn 1.600 người bị thương.
Lực lượng Hezbollah cũng phóng hàng trăm rocket và máy bay không người lái vào các thành phố miền bắc Israel, có nơi cách biên giới 50 km, trong ngày 22-23/9. Đây được cho là cuộc tấn công lớn nhất và sâu nhất vào lãnh thổ Israel mà Hezbollah thực hiện trong gần một năm qua.
Trong cuộc pháo kích nhằm vào miền bắc Israel ngày 24/9, Hezbollah tuyên bố tấn công nhà máy thuốc nổ và sân bay nằm cách biên giới 55-60 km. Phần lớn đầu đạn bị đánh chặn, nhưng vẫn có một số quả đạn lọt qua lưới phòng không Israel và gây thiệt hại dưới mặt đất.
Dù vậy, cả Israel lẫn Hezbollah đều chưa chính thức tuyên bố chiến tranh.
Tổng thống Isaac Herzog hôm 23/9 khẳng định Israel không muốn căng thẳng leo thang thành chiến tranh tổng lực với Hezbollah, thêm rằng hai bên có thể tránh được kịch bản này nếu nhóm vũ trang Lebanon ngừng tấn công lãnh thổ Israel và lùi xa khỏi khu vực biên giới hai nước.
Hezbollah cũng tuyên bố không muốn chiến tranh, dù khẳng định đã chuẩn bị cho trường hợp trên. Nhóm vũ trang Lebanon nhấn mạnh sẽ tiếp tục tập kích miền bắc Israel đến khi các bên đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza.
Theo từ điển Merriam-Webster, "chiến tranh" là tình trạng xung đột vũ trang công khai, đã được tuyên bố giữa các quốc gia hoặc dân tộc. Giới học giả thường mở rộng định nghĩa này để bao hàm cả xung đột quy mô lớn có sự tham gia của lực lượng nổi dậy, dân quân và tổ chức cực đoan.
"Vào mùa hè năm 2023, nếu có người nói với tôi rằng Hezbollah đang tập kích các căn cứ quân sự tại Israel, còn Israel cũng tấn công miền nam Lebanon và một phần thủ đô Beirut, tôi sẽ nói đây là chiến tranh toàn diện. Dù vậy, thời thế giờ đã khác", Andreas Krieg, nhà phân tích quân sự tại Đại học Nhà vua ở London của Anh, cho hay.
Kreig nhận định thuật ngữ này chưa thể áp dụng cho xung đột hiện tại do hai bên chưa triển khai bộ binh.
Giới chuyên gia cho rằng Israel và Hezbollah chưa tuyên bố chiến tranh vì cả hai đều hy vọng có thể đạt được mục tiêu đề ra mà không làm bùng phát xung đột nghiêm trọng hơn, hoặc không muốn bị đổ lỗi là bên phát động cuộc chiến như vậy.
"Dù căng thẳng gia tăng, tình hình ở miền nam Lebanon chưa phải là chiến tranh toàn diện, do cả Israel và Hezbollah vẫn kỳ vọng có thể dùng các biện pháp mang tính hạn chế để gây sức ép lên đối phương", Lina Khatib, chuyên gia về Trung Đông tại viện nghiên cứu Chatham House có trụ sở ở Anh, nhận định.
Thông qua các cuộc tập kích bằng rocket và máy bay không người lái (UAV), Hezbollah muốn gây áp lực để buộc Israel chấp nhận ngừng bắn với Hamas, đồng minh của nhóm trong "trục kháng chiến" do Iran hậu thuẫn tại Trung Đông, đồng thời thể hiện rằng sẽ không khuất phục trước sức ép của Israel.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã tuyên bố "sẽ làm mọi điều cần thiết" để ngăn chặn những cuộc tập kích của Hezbollah, tạo điều kiện cho người dân đã phải rời bỏ nhà cửa miền bắc đất nước trở về nhà an toàn.
"Tôi nghĩ Israel muốn buộc Hezbollah ngồi vào bàn đàm phán và giải quyết vấn đề thông qua biện pháp ngoại giao, hoặc ép nhóm vũ trang Lebanon đến chân tường và khiến họ phản ứng hơn mức cần thiết'", Krieg nhận định.
"Chúng tôi đã tiến thêm một bước, nhưng chưa tới mức độ cao nhất", Uzi Rabi, giám đốc Trung tâm Moshe Dayan về Nghiên cứu Trung Đông - châu Phi tại Đại học Tel Aviv của Israel, cho biết.
Giới chuyên gia nhận định chiến tranh toàn diện giữa Israel và Hezbollah, nếu xảy ra, sẽ giống cuộc chiến giữa hai bên hồi năm 2006, song khốc liệt hơn rất nhiều.
Các quan chức Israel nhiều năm qua cảnh báo trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Hezbollah, quân đội nước này sẽ gây ra thiệt hại nặng nề cho toàn bộ Lebanon, phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng và san bằng các thành trì của nhóm vũ trang. Chiến lược này được biết đến với tên gọi Học thuyết Daniyeh, đặt theo tên thành trì của Hezbollah ở khu vực ngoại ô miền nam Beirut.
Trong khi đó, nhóm vũ trang nhiều năm qua không ngừng mở rộng và nâng cấp kho vũ khí, được cho là hiện sở hữu khoảng 150.000 rocket, tên lửa có khả năng nhắm mục tiêu toàn bộ lãnh thổ Israel.
Nếu Israel quyết định đưa xe tăng, binh sĩ vào miền nam Lebanon, nhiều người có thể sẽ coi đây là thời điểm chiến tranh Israel - Hezbollah chính thức bùng phát.
"Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp đó, nếu Israel chỉ tiến hành chiến dịch trên bộ với quy mô hạn chế vào Lebanon, cơ hội để hai bên hạ nhiệt căng thẳng là vẫn còn, dù Lebanon đương nhiên sẽ coi Israel đưa quân vào lãnh thổ của mình là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia", nhà bình luận Joseph Krauss của AP nêu quan điểm.
Phạm Giang (Theo AP)