Israel ngày 26/11 thông báo nước này đồng ý ngừng bắn với Hezbollah theo thỏa thuận do Mỹ - Pháp làm trung gian, dấy lên hy vọng kết thúc cuộc xung đột đã kéo dài 14 tháng.
Lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ sáng 27/11, được kỳ vọng sẽ mang đến sự yên bình mà Lebanon đang rất cần sau nhiều tháng bị quân đội Israel không kích nhắm mục tiêu Hezbollah, khiến khoảng 3.800 người thiệt mạng, khoảng 1,2 triệu người di tản. Tại Israel, khoảng 60.000 người sơ tán khỏi miền bắc vì khu vực bị Hezbollah tập kích có thể trở về nhà.
Động thái còn giúp giảm nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Israel và Iran, quốc gia hậu thuẫn Hezbollah, ngăn Trung Đông rơi vào một cuộc chiến tổng lực. Tuy nhiên, một số chuyên gia vẫn hoài nghi về tính bền vững của thỏa thuận.
"Đây có thể chỉ là một giai đoạn hòa bình mong manh, một miếng băng gạc có thể bị bung ra bất cứ lúc nào", Andrew England, bình luận viên về Trung Đông của Financial Times, bình luận.
Thỏa thuận ngừng bắn dựa trên Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc giúp chấm dứt cuộc chiến Israel - Hezbollah năm 2006. Theo thỏa thuận, Israel sẽ dần rút quân khỏi miền nam Lebanon trong 60 ngày. Hezbollah chấm dứt hiện diện quân sự ở khu vực phía nam sông Litani, cách biên giới với Israel 29 km.
Quân đội Lebanon và Lực lượng Lâm thời Liên Hợp Quốc tại Lebanon (UNIFIL), thành lập theo nghị quyết Hội đồng Bảo an năm 1978, có nhiệm vụ đảm bảo an ninh ở miền nam Lebanon, ngăn Hezbollah tái xây dựng hạ tầng tại khu vực. Hai lực lượng còn phải đảm bảo Hezbollah không thể tiếp nhận vũ khí mà Iran âm thầm cung cấp cho nhóm thông qua Syria hoặc đường biển.
Những nhiệm vụ trên từng được đề cập trong Nghị quyết 1701, nhưng trong gần hai thập kỷ qua, cả quân đội Lebanon và UNIFIL đều chưa đủ năng lực hay ý chí để thực hiện. Điều này làm dấy lên lo ngại, bởi sau cuộc chiến năm 2006, Hezbollah vẫn duy trì hiện diện ở miền nam Lebanon, tăng cường kho vũ khí và thường xuyên tập kích rocket, tên lửa vào miền bắc Israel.
Lệnh ngừng bắn lần này đã bổ sung một cơ chế giám sát do Mỹ dẫn dắt để xác định các hành vi vi phạm và giải quyết hiểu nhầm nếu có, nhưng chưa rõ cách thức vận hành. Trong khi đó, Israel vẫn bảo lưu quyền đơn phương đáp trả nếu Tel Aviv tin rằng Hezbollah đang tạo ra mối đe dọa cận kề - về bản chất là ngầm "bật đèn xanh" để nối lại chiến dịch tấn công vào lãnh thổ Lebanon nếu cần thiết.
Hezbollah chấp thuận các đề xuất ngừng bắn nhưng Mahmoud Qamati, phó chủ tịch hội đồng chính trị của nhóm, ngày 26/11 nói họ chưa đọc nội dung thỏa thuận cuối cùng. Hezbollah không tham gia trực tiếp đàm phán ngừng bắn mà được đại diện bởi Chủ tịch Quốc hội Lebanon Nabih Berri.
"Chúng tôi sẽ xem có sự phù hợp giữa những gì Hezbollah yêu cầu và điều giới chức Lebanon đã chấp thuận hay không. Chúng tôi muốn chấm dứt sự thù địch, nhưng không phải với cái giá phải trả là chủ quyền của Lebanon", ông Qamati nói, nhắc đến yêu cầu Israel được tự do nối lại hành động quân sự nếu Hezbollah vi phạm thỏa thuận. "Chúng tôi bác bỏ mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền".
"Tôi nghĩ thỏa thuận đang đặt ra nhiều hoài nghi hơn là giải pháp, đặc biệt là về lập luận từ Israel rằng họ có thể tái khởi động cuộc chiến bất cứ khi nào họ muốn, nếu cảm thấy các điều khoản không được tuân thủ", Shihab Rattansi, bình luận viên của Al Jazeera, nhận định.
Hành động tiếp theo của ông Netanyahu cũng sẽ quyết định tính bền vững của thỏa thuận.
Sau chiến dịch đột kích của Hamas gây thương vong lớn ngày 7/10/2023, Israel trở nên quyết đoán hơn và sẵn sàng đánh phủ đầu đối thủ trên nhiều mặt trận, bất chấp sức ép từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Vài tháng gần đây, Israel còn tung hàng loạt đòn giáng nặng nề vào Hezbollah, khiến nhóm vũ trang ở vị thế còn yếu hơn so với năm 2006.
Bộ trưởng An ninh quốc gia Israel Itamar Ben-Gvir, người duy nhất trong nội các Israel bỏ phiếu phản đối lệnh ngừng bắn, cho rằng thỏa thuận "khiến Israel mất đi cơ hội lịch sử để giáng đòn quyết định vào Hezbollah, khiến nhóm phải khuất phục".
Một số ý kiến chỉ trích khác cho rằng quân đội Lebanon không phải bên đáng tin cậy để thực thi thỏa thuận và Hezbollah sẽ khôi phục lực lượng trong thời gian ngừng bắn.
Dù vậy, Rami Khouri, nhà nghiên cứu tại Đại học Mỹ tại Beirut (AUB), Lebanon, cho biết lệnh ngừng bắn đã được các bên soạn thảo hết sức cẩn thận và được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả, ít nhất là trong giai đoạn đầu.
Thỏa thuận có được duy trì trong dài hạn hay không còn tùy thuộc "Lebanon và Israel có cảm thấy họ được đối xử như nhau một cách rõ ràng không", ông Khouri lưu ý. Và điều này còn phụ thuộc vào hành động của Mỹ và Pháp, những bên sẽ tham gia một cơ chế chưa được xác định để duy trì thỏa thuận.
Thời hạn ngừng bắn 60 ngày sẽ giúp Thủ tướng Netanyahu phần nào xoa dịu Tổng thống Biden và chờ sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống đắc cử Donald Trump, người có quan điểm ủng hộ Israel còn mạnh mẽ hơn.
Nhà bình luận về Trung Đông Eric Tlozek của ABC News cho rằng Israel nhiều khả năng sẽ nhẫn nhịn chờ đợi qua thời hạn hai tháng để xem xét có tiếp tục hành động quân sự với Hezbollah ở Lebanon hay không.
Dù đã suy yếu đáng kể sau hơn một năm giao tranh với Israel, Hezbollah vẫn là một phe phái chính trị và vũ trang có sức ảnh hưởng tại Lebanon. Nhóm có thể khôi phục sức mạnh với sự hỗ trợ từ Iran, điều Tehran có thể đã bắt đầu thực hiện.
Israel và Iran đang đối đầu nhau gay gắt, ngay cả khi lệnh ngừng bắn với Hezbollah phần nào giảm bớt căng thẳng. Nếu Israel chấp nhận rút quân vì cần chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Iran, khu vực Trung Đông vẫn đối mặt nguy cơ xảy ra một cuộc chiến lớn hơn, nguy hiểm hơn, theo ông Tlozek.
Tất cả những yếu tố này tạo ra một bối cảnh "dễ bắt lửa" và bất kỳ sự lạc quan nào về lệnh ngừng bắn cũng sẽ bị phủ bóng bởi lo ngại liên quan kịch bản có thể xảy ra tiếp theo, bình luận viên England nhận định.
Như Tâm (Theo FT, Al Jazeera)