Những ngày cuối tuần vừa qua nắng nóng diễn ra trên cả nước, nơi cao nhất như Nghệ An nhiệt độ lên đến 40-42 độ. Các khu vực khác như Nam Bộ, miền Trung, miền Bắc nhiệt độ trung bình 36-37 độ. Ngoài đường phố, nhiệt độ có thể cao hơn 3-4 độ do hiện tượng bức xạ nhiệt cộng hưởng từ xe cộ, bêtông hóa.
Chỉ số UV ở mức 12 được đánh giá là mức "nguy hiểm cực độ" cho da. Các bác sĩ cảnh báo tia UV từ mức 11 trở lên, nguy cơ bỏng da nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút mà không được bảo vệ.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng Khoa Ung bướu Bệnh viện Quận Thủ Đức, cho biết bức xạ cực tím (ultraviolet radiation) là thành phần trong ánh sáng mặt trời, quan trọng nhất là tia cực tím A và B (UVA và UVB) do có thể gây tổn thương DNA của tế bào da.
"Khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, da sẽ bị bỏng, khô, sạm, mất đàn hồi, tạo nếp nhăn, làm nhanh lão hóa và có thể gây ung thư da", bác sĩ Vũ nhấn mạnh.
Tia cực tím cũng gây tổn hại thị giác như đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm... Các nguy cơ do ảnh hưởng của tia UV đến da và mắt sẽ được cộng dồn, tích lũy dần trong suốt cuộc đời nên cần bảo vệ tối đa từ khi còn nhỏ, tránh các bệnh khởi phát sau này.
Tiến sĩ Lê Thái Vân Thanh, giảng viên bộ môn Da liễu, Đại học Y dược TP HCM, cho biết tiếp xúc tia tử ngoại là yếu tố quan trọng gây ra các vấn đề trên da, đặc biệt là rối loạn tăng sắc tố da và lão hóa da, sốc nhiệt, bỏng da.
Theo bác sĩ Thanh, việc bảo vệ da, chống nắng đúng cách rất quan trọng. Nên bôi kem chống nắng phổ rộng suốt ngày, bảo vệ vật lý gồm nón, mắt kính, ô, khẩu trang, găng vớ, quần áo sậm màu khi ra ngoài trời, hạn chế ra nắng nhất là từ 10h sáng đến 3h chiều.
Các chế phẩm chống nắng có chỉ số SPF từ 15 đến 30 hấp thu được tia cực tím ở phổ rộng (hấp thu UVB lẫn UVA), thích hợp nhất cho việc sử dụng hàng ngày.
Mỹ phẩm chỉ số chống nắng SPF trên 30 hiệu quả bảo vệ da không cao hơn so với sản phẩm có SPF 30, lại có nguy cơ gây dị ứng do nồng độ các hóa chất chống nắng rất cao. Bạn có thể hiểu sai về mức độ bảo vệ của sản phẩm nên phơi nắng lâu hơn thời gian cho phép, dẫn đến bỏng da.
Hiện nay nhiều người sử dụng kem chống nắng dạng uống 30 phút trước khi tiếp xúc ánh nắng. Chất chống oxy hóa và điều hòa miễn dịch trong viên uống giúp ngăn cản tình trạng đỏ da do ánh sáng, tăng sự dung nạp của da đối với tia tử ngoại.
Đeo kính mát để chặn tia cực tím, chọn kính theo chỉ số ANSI trên bao bì. Tắm biển, hồ bơi vào giờ nắng gắt nên dùng kem chống nắng và kính mát do tia cực tím có thể xuyên thấu qua nước. Ngoài ra bề mặt nước, cát biển đều gây phản xạ tia cực tím.
Trẻ em thường xuyên vui chơi, chạy nhảy ngoài trời dễ mắc các bệnh về da do tác hại từ tia cực tím cao hơn nhiều lần so với người trưởng thành, cần chú ý bảo vệ.