Sau khi Năm Cam bị bắt (tháng 12/2001), Ban chuyên án của Tổng cục Cảnh sát đã có được những thông tin ban đầu về vai trò của Thuyết “buôn vua” (hay còn gọi là Thuyết "chăn voi") trong vụ chạy án cho Năm Cam năm 1995. Nhưng đó mới chỉ là thông tin tham khảo, lại liên quan đến nhiều quan chức có máu mặt. Do đó nếu bắt Thuyết thì chứng cứ yếu, và dễ bị “phản đòn”. Các điều tra viên đã phải xới tung tài liệu về Thuyết, và lần ra một vụ liên quan đến y: tháng 5/1995, Thuyết từng có hành vi giữ người trái pháp luật.
Thời điểm đó, Thuyết gạ bán cho anh Vũ Quốc Tuấn, ở tập thể Nguyễn Công Trứ, Hà nội, một xe Ford 15 chỗ ngồi với giá 15.500 USD. Đôi bên thỏa thuận, anh Tuấn chạy thử một tuần, nếu không thích mua thì thôi. Nhưng khi anh Tuấn trả lại, Thuyết trở mặt. Thông qua Nguyễn Văn Thắng (Thắng “tài dậu”), Thuyết nhờ Trần Quốc Sơn (Sơn “bạch tạng”) cho đàn em là Hoàng Quốc Thắng (Thắng “điếc”) uy hiếp, khống chế, bắt nhốt và đánh đập anh Tuấn. Nạn nhân bị buộc ghi giấy nhận nợ 15.500 USD rồi mới cho về. Đến tháng 9/1996, Thuyết lại sai Thắng “điếc” đưa anh Tuấn về nhà giam lỏng từ 10h đến 18h, vừa đánh vừa dọa để anh lập một giấy nhận nợ khác.
Sau khi củng cố đủ chứng cứ về vụ bắt giữ người trái pháp luật nói trên, ngày 6/4/2002, Ban chuyên án tiến hành bắt khẩn cấp Trần Văn Thuyết, khi y đang cùng người đẹp du hí tại Đà Lạt. Trong những ngày bị giữ với lý do phục vụ điều tra về vụ việc "vặt vãnh" kia, Thuyết dần hé mở về đường dây chạy án cấp cao mà y là một mắt xích quan trọng.
Thuyết gặp và quen biết Trần Mai Hạnh khi ông này bị tai nạn giao thông nằm cấp cứu tại Bệnh viện Việt - Đức (năm 1992). Y nhận đồng hương Hải Dương với ông Hạnh rồi thường xuyên lui tới thăm viếng. Còn Phạm Sĩ Chiến và ông L.T.Đ. (nguyên là cán bộ lãnh đạo VKSND Tối cao) thì Thuyết quen qua Nguyễn Thập Nhất (nguyên trưởng Phòng Kiểm sát giam giữ cải tạo VKSND Hà Nội). Dựa vào các mối quan hệ này, chỉ trong vụ chạy án cho Năm Cam năm 1995, Thuyết đã bỏ túi được 17.000 USD.
Khi bàn bạc với gia đình Năm Cam, Thuyết vạch ngay các đường đi nước bước. Khi y đưa Hiệp “phò mã” đến gặp ông Trần Mai Hạnh và Phạm Sĩ Chiến để “thừa chuyện” thì cả hai lập tức nhận lời. Thuyết rót tiền cho ông Hạnh từ từ: “biếu” 1.000 USD khi Hiệp gửi đơn kêu oan, khi báo đăng đơn y nạp tiếp 1.000 USD nữa. Tiếp đó, tại phòng làm việc của ông Hạnh, Thuyết đưa tiếp một phong bì dày như vậy. Khi ông Hạnh cho đăng ý kiến của VKSND Tối cao đề nghị trả tự do cho Năm Cam, Thuyết dặn Hiệp chuẩn bị một phong bì 3.000 USD và mang đến đưa cho ông Hạnh ở cơ quan. Kết thúc vụ này, ông Hạnh đặt vấn đề mượn Thuyết 140 triệu đồng. Thuyết chỉ bỏ ra 40 triệu, còn yêu cầu Hiệp “phò mã” chi. Ngoài ra, một dàn máy nghe nhạc mà Thuyết hứa mua cho ông Hạnh năm 1996 (bằng tiền của gia đình Năm Cam), đến năm 1999 khi ông Hạnh xây nhà xong, y mới thực hiện được.
Trường hợp Phạm Sĩ Chiến cũng tương tự, Thuyết nhận của Hiệp 6.000 USD để “giao tế” với ông phó viện trưởng. Ngay sau khi ông Chiến nhận lời giúp giải quyết đơn khiếu nại của gia đình Năm Cam thì Thuyết lập tức đặt vấn đề lắp cho Chiến một dàn máy nghe nhạc trị giá 3.000 USD. Tiếp đó, tiền được đưa dưới dạng “quà lễ tết”, mỗi lần trị giá 1.000-1.500 USD.
Sẵn có tiền của Năm Cam, tháng 6/1995, Thuyết còn nhờ Nguyễn Thập Nhất đưa Hiệp “phò mã” đến dự đám giỗ tại nhà dưới quê của ông L.T.Đ. ở Hải Dương, để bàn việc giúp đỡ giải quyết đơn khiếu nại. Ông Đ. hướng dẫn gửi đơn cho ông P.H.C. (thư ký riêng của ông). Sau đó vài ngày, Nhất dẫn Thuyết và Hiệp đến nhà ông C. ở khu tập thể VKSND Tối cao. Gắn vào đơn kêu oan của gia đình Năm Cam là hai túi quà, mỗi túi “nặng” 5.000 USD, một của ông C., một nhờ chuyển cho ông Đ. Chi tiết này phù hợp với lời khai của Hiệp “phò mã” và Long “đầu đinh”, nhưng do ông C. đã chết nên chưa có cơ sở kết luận.
Gia đình Năm Cam đặt niềm tin hoàn toàn vào Thuyết, bởi y nắm diễn biến hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật rất đầy đủ và luôn “up date”. Đến mức, ngày mà 3 ngành nội chính trung ương họp bàn để quyết định hình thức xử lý với Năm Cam thì Thuyết cũng được biết trước và kêu Hiệp “phò mã” đến nhà y cùng ngồi đợi tin. Ngay chiều hôm ấy, Thuyết được ông Phạm Sĩ Chiến cho biết, Năm Cam chỉ phải tập trung cải tạo chứ không bị xử lý hình sự.
Khi khám xét nhà Thuyết “chăn voi”, Long “đầu đinh”, công an đã thu giữ được một số ảnh Thuyết, Hiệp, Long chụp chung với ông Phạm Sĩ Chiến, Trần Mai Hạnh vào tháng 2/1997 tại Hà Nội, thời điểm Năm Cam đang tập trung cải tạo. Mối thân tình đó giải thích cho việc tại sao Năm Cam được trả tự do một cách dễ dàng.
(Theo Tuổi Trẻ)