"May mắn đã đến với chúng tôi ở ngày thứ chín", anh Hà Văn Tấn, 45 tuổi - một trong bốn ngư dân được tàu cá của anh Lê Thanh Toàn (38 tuổi, quê Bình Định) cứu ở vùng biển Trường Sa hai hôm trước, kể. 13h hôm nay, anh Tấn cùng ba đồng nghiệp đã được tàu Cảnh sát biển đưa về Ninh Hòa (Khánh Hòa) chăm sóc y tế. Người các thuyền viên gầy sọp, mặt hốc hác, trong đó ông Trần Thuận Thanh, 55 tuổi, không thể đi lại và được truyền nước.
Kiệt sức sau khi trải qua biến cố lớn, anh Tấn kể mình trong nhóm 15 người trên tàu cá do ông Bùi Văn Toàn (50 tuổi, ở Phan Thiết) làm thuyền trưởng. Hôm 10/7, khi tàu trở về cách đảo Phú Quý khoảng 155 km thì gặp giông gió. Sóng cao gần 4 m bổ lên tàu liên tục khiến nước tràn vào mỗi lúc một nhiều. Họ chia nhau bơm và tát nước, nhưng tàu chìm rất nhanh. Thấy không thể cứu tàu, 15 thuyền viên đã bỏ hai thuyền thúng xuống biển, chia làm hai nhóm thoát thân.
Gần một tuần sau, khi đang lênh đênh trên biển, họ thấy một tàu cá từ xa nên cố hô hoán, cầu cứu. Tuy nhiên vì quá xa, cùng với tàu chạy nhanh nên cả nhóm bị mất dấu. Do sóng lớn đánh liên hồi, sáng 17/7 hai thúng bị lạc nhau.
"Thúng của tôi có 7 người, song sau nhiều ngày lênh đênh ba anh em đã kiệt sức, lần lượt tử vong. Do thi thể bốc mùi nên cả nhóm đành bỏ xuống biển", anh Tấn nói.
Những ngày sau, anh Tấn cùng ba đồng nghiệp phải chống chọi với những đợt sóng khổng lồ. Để khỏi bị gục đi, họ phải liên tục té nước vào mặt cho tỉnh táo và dùng chiếc xúc nhựa tát nước biển ra khỏi thúng. Khi thấy tàu lớn từ xa, cả nhóm ráng sức la hét, ra tín hiệu mong được cứu giúp nhưng bất thành.
Vẫn chưa hết bàng hoàng, ông Trần Theo (55 tuổi) cho biết, có đêm, thúng trôi dạt vào một tàu cá nước ngoài, ông trèo lên tàu xin cứu nhưng có thể do họ sợ nên đuổi, chỉ cho vài chai nước và những gói bánh. Một vài ngày số thức ăn này cũng hết sạch. "Để sống sót những ngày tiếp theo, chúng tôi chỉ biết uống nước mưa và cầu nguyện có người đến cứu giúp", ông Theo nói.
Là thuyền trưởng tàu phát hiện các ngư dân gặp nạn, anh Lê Thanh Toàn cho biết chiều 19/7, tàu cá của anh đang trên đường trở về bờ thì phát hiện chiếc thuyền thúng trôi lềnh bềnh từ xa. Trên thúng có gắn một que sào dài treo chai nhựa, bao bóng và một số mảnh vải như để làm ký hiệu cầu cứu.
Anh Toàn cùng các thuyền viên lập tức lái tàu đến để ứng cứu. Lúc này, sóng cao 2-3 m, gió mạnh khoảng cấp 5, tàu của anh rảo quanh vài vòng mới có thể tiếp cận được thuyền thúng. "4 người gặp nạn trên thúng trong tình trạng uể oải, nằm gục. Hầu như ai cũng đã kiệt sức, có dấu hiệu mê sảng", anh Toàn nhớ lại.
Thuyền trưởng Toàn cùng các thuyền viên sơ cứu cho các nạn nhân uống sữa, ăn cháo, nhưng không ai ăn nổi vì quá mệt mỏi.
Trước đó, hôm 12/7, không thấy tàu cá của chồng trở về như đã hẹn, nghi có chuyện chẳng lành, người vợ đã báo cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận. Trích xuất dữ liệu, Chi cục Thủy sản Bình Thuận xác định thiết bị giám sát hành trình trên tàu có tín hiệu cuối lúc 5h7 ngày 10/7, vị trí cách đảo Phú Quý 84 hải lý (khoảng 155 km) và cảng Phan Thiết 126 hải lý (233 km).
Nhiều ngày qua, lực lượng chức năng điều 11 tàu, một máy bay tham gia tìm kiếm. Trong đó có ba tàu của biên phòng, cảnh sát biển, Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III và 8 tàu cá ngư dân. Thời tiết khu vực biển Phú Quý đang có gió Tây Nam cấp 5-6, sóng biển cao 2-3 m.
Biên phòng tỉnh Bình Thuận đã cử cán bộ ra phối hợp với Biên phòng tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận các ngư dân và thu thập thông tin liên quan vụ tai nạn để phục vụ công tác tìm kiếm những người còn lại.
Bùi Toàn - Việt Quốc - Phạm Linh