Hưởng ứng ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, dự án doanh nghiệp xã hội Goran & Folke phối hợp Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Trị tổ chức chương trình kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam tại Đông Hà, Quảng Trị.
Chương trình có sự tham dự của ông Dương Quát - Chủ tịch Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Trị, anh Nguyễn Đức Huynh - nhân vật trong bộ phim tài liệu nổi tiếng The boy with no face (Cậu bé không có khuôn mặt) của đạo diễn người Thụy Điển Folke Ryden và Á hậu Việt Nam 2008 Thụy Vân.
Trong khuôn khổ chương trình, Á hậu Thụy Vân chia sẻ và tặng quà cho những nạn nhân bom mìn và người khuyết tật đang là thành viên của dự án Goran & Folke handicrafts, đồng thời tìm hiểu mô hình hoạt động của dự án: làm chuồn chuồn tre, vẽ chuồn chuồn tre với những người khuyết tật. Cô cũng tham gia hoạt động giáo dục phòng tránh bom mìn, vẽ tranh với học sinh, triển lãm về chủ đề người khuyết tật tại tỉnh Quảng Trị.
Là một trong những nạn nhân của bom mìn chiến tranh, Nguyễn Đức Huynh thấu hiểu nỗi đau nặng nề mà bom mìn đem lại, không chỉ trên thể xác mà còn là sự dằn vặt trong tinh thần hàng chục năm trời.
Anh cho biết mình có nhiều ước mơ, nhưng điều mong muốn lớn nhất của anh lúc này là: "Tôi muốn những người trong xã hội không còn kỳ thị với người khuyết tật và sống hòa đồng với họ, tạo điều kiện thuận lợi để họ có thể sống và trưởng thành như một người bình thường. Tôi cũng mong những doanh nghiệp sẽ có những chính sách để tạo việc làm cho người khuyết tật, để họ có thể nuôi sống bản thân và gia đình".
The boy with no face kể về Nguyễn Đức Huynh, 5 tuổi, cùng với người em trai sinh đôi, đã gặp một tai nạn bom mìn trên đường đi học về. Tai nạn đó hủy hoại khuôn mặt của Huynh. Cha mẹ Huynh khi ấy không thể có đủ điều kiện tài chính để phẫu thuật cho con.
Folke Ryden tình cờ nghe câu chuyện của Huynh trong một chuyến công tác tại Việt Nam và đã làm một bộ phim tài liệu, chiếu tại Thụy Điển. Bộ phim gây xúc động lớn cho người xem và nhờ đó Huynh có đủ tiền quyên góp để chữa trị chỉnh hình. Nhờ có Folke và Goran, Huynh trải qua 12 cuộc phẫu thuật tại Mỹ, khuôn mặt gần như được khôi phục.
Cảm kích trước sự giúp sức của Thụy Vân cùng mọi người, Đức Huynh gửi tặng bức tranh bạn anh vẽ chân dung Á hậu và những chú chuồn chuồn tre do chính mình và những người khuyết tật khác làm. Anh tâm sự: "Tôi nghĩ rằng những người khuyết tật ngày càng tiến xa nếu họ được tạo điều kiện tốt, giống như chuồn chuồn tre có thể bay xa, bay cao".
Trích đoạn phim tài liệu "Cậu bé không có khuôn mặt" |
|
Tâm sự của Nguyễn Đức Huynh: "Hồi nhỏ, họ gọi tôi là thằng sẹo hay những cái tên muốn ám chỉ đến ngoại hình. Nghe tiếng trêu chọc ấy, tôi rất khó chịu, thậm chí thỉnh thoảng đánh nhau với bạn bè. Dần dần, tôi chán ngoài hình của mình và bỏ bê việc học tập, nên kiến thức mất gốc rất nhiều, nhất là ba môn chính thi đại học. Đến năm lớp 11, với sự tài trợ của những người Thụy Điển, tôi trải qua cuộc phẫu thuật ở bệnh viện trung ương Huế nhưng không được như mong muốn. Sau khi rời viện và bước về trường học, mọi người nhìn tôi với ánh mắt đầy tò mò. Tôi quyết định bỏ học hai tuần và khóc rất nhiều. Tôi nói với ba mẹ "con không muốn đi học nữa, ba mẹ cho con đi xin việc". Tôi chạy xe máy đến một trung tâm giới thiệu việc làm xuất khẩu lao động và được nhận câu trả lời: "Cháu ơi, cháu không cần mua hồ sơ nữa đâu. Vì các công ty nước ngoài sẽ không nhận những người ngoại hình như cháu". Sau cơn buồn chán, tôi quyết định quay lại trường học để tập trung kiến thức chuẩn bị thi đại học. Sau mùa hè lớp 11 và 12, với sự giúp đỡ của mẹ và ba gia sư, tôi đỗ đại học và ra Hà Nội. Nhận thức được chi phí ở Hà Nội tốn kém, tôi cố gắng tìm việc làm. Khi tôi hỏi việc ở một số quán cà phê, họ thấy ngoại hình của tôi và từ chối, dù tôi nói: "Em chỉ muốn kiếm một vị trí rửa ly và bát thôi ạ, chứ không cần làm phục vụ". Đi tiếp một số quán nằm gần hồ Tây, tôi còn bị người ta đuổi ra mà chưa cần hỏi, vì có lẽ họ tưởng tôi là người ăn xin. Trong quá trình làm bán thời gian cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tôi tiếp cận với nhiều người khuyết tật ở Hà Nội và trong Quảng Trị. Tôi lắng nghe họ chia sẻ khó khăn trong cuộc sống và ước muốn của họ. Rồi sau khi học tập xong ở Hà Nội vào tháng 4/2013, tôi quyết định tạo việc làm cho người khuyết tật bằng cách làm đồ thủ công. Với số tiền ban đầu 3 triệu đồng, tôi bắt xe từ Quảng Trị ra Thái Bình học nghề làm chuồn chuồn tre trong một tháng. Học xong, tôi không đủ tiền mua vé về quê và phải viết thư cầu cứu một người bạn, vay 500.000 đồng và trở về nhà. Ở Quảng Trị, tôi viết dự án và tuyển 5 người đầu tiên để thử dạy nghề làm chuồn chuồn tre. Tôi có một ước mơ cuối cùng là có một gia đình, nơi tôi có những đứa con. Tôi sẽ dạy cho con mình phải biết quan tâm, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Vì hồi nhỏ tôi là một cậu bé mặt sẹo, miệng méo lúc nào ăn cơm cũng bị rơi ra ngoài, mắt thì xếch. Nếu không có những người hảo tâm ở trong và ngoài nước thì hôm nay tôi không đủ tự tin để giúp đỡ những người khác". |
Ý Ly