Theo chuyên gia Michael Latz từ Viện Hải dương học Scripps thuộc Đại học California San Diego của Mỹ, sự kiện này thường xuất hiện vài năm một lần do sự bùng phát của một loài tảo biển siêu nhỏ có tên Lingulodinium polyedra.
Chúng là những sinh vật phù du đơn bào phân bố chủ yếu ở vùng biển Thái Bình Dương, có khả năng phát quang sinh học và tự sản xuất thức ăn thông qua quá trình quang hợp.
Các Lingulodinium polyedra chứa sắc tố màu nâu đỏ giúp chống lại bức xạ có hại từ ánh sáng mặt trời. Khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng sinh sôi nảy nở thành một tập hợp lớn khiến nước biển đổi màu, gây ra hiện tượng "thủy triều đỏ".
Khi đêm xuống, loài tảo biển này còn có thể phát sáng xanh như một cơ chế tự vệ để cảnh báo những kẻ săn mồi nhất định. Ánh sáng được tạo ra bởi các cấu trúc nhỏ có tên là scintillon bên trong tế bào chất của sinh vật. Hiện tượng phát quang sinh học ở Lingulodinium polyedra thường xuất hiện khi chúng bị căng thẳng do mặt nước bị khuấy động hoặc độ pH trong nước giảm mạnh.
Sự kiện thủy triều đỏ và bãi biển phát sáng thường khó đoán trước. Không ai biết chúng sẽ bắt đầu khi nào và kéo dài trong bao lâu. "Màn trình diễn ánh sáng" năm nay càng trở nên đặc biệt khi diễn ra vào thời điểm các bãi biển ở Mỹ vừa mở cửa trở lại sau hơn một tháng bị phong tỏa do ảnh hưởng của Covid-19.
Mặc dù chưa hiểu hết về những yếu tố dẫn đến thủy triều đỏ, các nhà khoa học cho biết sự kiện này đang có tần suất xuất hiện ngày càng tăng trên thế giới. Nguyên nhân có thể là do biến đổi khí hậu, Latz giải thích.
Đoàn Dương (Theo Newsweek/Guardian)