Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu thuỷ sản trong tháng 8 sang các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Anh, Canada, Australia giảm từ 35-45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thuỷ sản sang các thị trường ngách lại tăng trưởng đội biến. Cụ thể, xuất khẩu thuỷ sản sang Mexico tăng 72%, Phillipin tăng 58%, Tây Ban Nha tăng 48%, Ai Cập tăng 38%, Bồ Đào Nha tăng 14%...
Tại thị trường Mexico, sản phẩm xuất khẩu chính sang thị trường này là cá tra và cá ngừ. Trong tháng 8, thuỷ sản sang Mexico đạt 5,7 triệu USD, trong đó cá tra chiếm 67% với 3,84 triệu USD, tăng gần 49% so với cùng kỳ năm ngoái, cá ngừ chiếm 29% với 1,65 triệu USD, tăng mạnh 263%. Luỹ kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu thuỷ sản sang Mexico đạt trên 59 triệu USD, tăng 77% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở thị trường Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, sản phẩm xuất khẩu chính là cá ngừ và nhuyễn thể hai mảnh. Trong đó, xuất khẩu thuỷ sản sang Tây Ban Nha trong tháng 8 đạt 8,2 triệu USD, tăng 48% (nhuyễn thể hai mảnh vỏ chiếm 37%, tăng 111% đạt trên 3 triệu USD). Còn xuất cá ngừ chiếm 39%, đạt 3,2 triệu USD, tăng 30%. Tính chung 8 tháng, xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường này đạt trên 45 triệu USD, tăng 17%.
Với thị trường Bồ Đào Nha, luỹ kế 8 tháng đầu năm xuất khẩu tăng 13% đạt gần 30 triệu USD. Trong đó, xuất nhuyễn thể hai mảnh vỏ đạt gần 11,5 triệu USD, tăng 22%.
Theo VASEP, nguyên nhân khiến doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường ngách là vì Covid-19 làm đứt gãy nguồn cung ứng, gây khó khăn về logistic và cước vận chuyển cao, ảnh hưởng nhiều hơn đến các thị trường lớn. Để giảm bớt khó khăn trong xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã chọn thị trường ngách để tăng trưởng và hạn chế tác động sụt giảm xuất khẩu trong thời gian tới.
Hiện các thị trường ngách về xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam chiếm khoảng 8-10% tổng kim ngạch xuất khẩu, 90% còn lại xuất sang Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc...
Hồng Châu