Sự kiện mang tên Mộng bình thường, được sắp xếp thành bảy gian phòng với bảy chủ đề: Xưa đến ngày sau, Lầu son gác tía, Đôi vầng nhật nguyệt, Đong đầy kí ức, Ở trọ trần gian, Muôn hình vạn trạng, Phố phố phường phường. Mỗi gian phòng kể lại câu chuyện sáng tạo của Thủy Nguyễn gắn liền với những chất liệu văn hóa và thủ công đặc trưng của Việt Nam.
Triển lãm trưng bày hơn 100 hiện vật, bao gồm 60 thiết kế, phụ kiện trong những bộ sưu tập của Thủy Nguyễn từ năm 2011 đến nay. Bên cạnh đó, công chúng cũng được nhìn lại các kiến trúc, đồ mỹ nghệ, gốm sứ, tranh của các danh họa thế kỷ 20 như Mai Trung Thứ (1906-1980), Lê Phổ (1907-2001) hay Trần Văn Cẩn (1910-1994)..., do nhà thiết kế sưu tầm.
Nhằm theo sát những tiêu chuẩn của một sự kiện trưng bày nghệ thuật, Thủy Nguyễn mời Dolla S. Merrillees - nguyên giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật ứng dụng và Khoa học (MAAS) tại Sydney - đảm nhận vai trò giám tuyển. Cả hai đã làm việc với nhau từ hơn một năm trước để góp nhặt các ý tưởng, đường dây cho triển lãm. Vì dịch, Dolla không về Việt Nam được, họ phải trao đổi công việc online.
Nhà thiết kế Thủy Nguyễn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, xuất thân là họa sĩ với nghệ danh Tia - Thủy Nguyễn. Năm 18 tuổi, chị tổ chức triển lãm tranh cá nhân đầu tiên. Tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật Hà Nội vào 2006, chị tiếp tục sang Ukraine học tám năm và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Mỹ thuật tại Kiev. Sau khi về Việt Nam, năm 2011, họa sĩ lấn sân lĩnh vực thời trang và ra mắt nhiều bộ sưu tập mang nét văn hóa truyền thống như Lúng liếng, Gió mùa về, Cọc cạch, Viên mãn, Mộng mị, Tình tang, Mỵ Châu, Tìm người trong mộng....
Ngoài mỹ thuật và thời trang, chị còn bén duyên với phim ảnh với vai trò nhà sản xuất của phim Cô ba Sài Gòn, thiết kế trang phục cho phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể, Quỳnh hoa nhất dạ, Kiều... Năm 2019, Thủy Nguyễn được vinh danh là một trong 50 phụ nữ có sức ảnh hưởng do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.
Vân An