Đặt chân vào trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh, tôi chỉ như một con nai, chẳng biết gì. Thậm chí lúc đó, tôi còn không biết trường có tổ chức luyện thi, khi vào thi mới biết các bạn đều đã được luyện diễn, tiểu phẩm… Trong đầu tôi chỉ nghĩ rằng ban giám khảo bảo làm gì tôi sẽ làm đó thôi. Họ hỏi tôi, em có tiểu phẩm gì không? Tôi trả lời: "Dạ em không chuẩn bị tiểu phẩm nào".
Họ bảo, vậy thì thày cô sẽ cho em một đề tài, em diễn thử. Đề tài dành cho tôi lúc đó là hãy diễn xuất tình huống đi học về thấy mẹ bệnh và chết. Tôi tưởng tượng trong đầu tình huống đó và bắt đầu diễn. Tôi đậu vòng một - rất vui vì mình qua lọt trong khi chưa hề chuẩn bị gì cả.
Tôi mừng lắm, hí ha hí hửng, còn thông báo tin này cho gia đình biết. Gia đình tôi bắt đầu bàn bạc: "Chết rồi, con Nga đi vào cái nghề này không biết sao đây. Người ta có người đỡ đầu, trong nghề quen biết còn gửi gắm được, giờ nó đi lạc giữa rừng người thì ai biết mà giúp. Thôi, không cho nó đi thi nữa". Gia đình tôi quả thật cũng chẳng có ai làm nghệ thuật. Nghe vậy, tôi bật khóc. Khóc nức nở nhưng âm thầm, không để ai trong nhà biết. Tôi nằm nhà buồn nghĩ ngợi vẩn vơ.
![]() |
Diễn viên Thúy Nga. Ảnh: Tiếp Thị Gia Đình. |
Sau này tôi luôn nhớ ơn người đã tạo cơ hội nghề nghiệp cho tôi lúc ấy là thầy Trần Minh Ngọc, Hiệu trưởng trường.
Ra trường. Tôi vui lắm, nhưng không khỏi băn khoăn: mình đi về đâu bây giờ, có tồn tại được với nghề hay không. Ra trường, tôi cũng như nhiều bạn khác - thất nghiệp. Vì không muốn tôi theo nghiệp ca hát, sân khấu... nên gia đình tôi lúc đó ai nấy đều vỗ tay hoan hô, rồi họp mặt bàn bạc, quyết định tương lai của tôi. Người thì bảo tôi theo nghề y của mẹ, người đề nghị tôi theo nghề kinh doanh của dì… Cuối cùng, sau nhiều ngày sưng mắt vì khóc, tôi chọn theo dì vào Sài Gòn phụ việc. Tôi đi làm trong nước mắt. Buồn. Ngày nào cũng ngồi trước cửa hàng, mặt chảy dài, mắt cứ hướng về xa xăm mơ về ánh đèn sân khấu.
Làm công việc này nhiều tiền mà tôi chẳng thấy vui chút nào. Trong nỗi buồn tê tái như thế, sau gần một năm ra trường, bỗng dưng tôi nhận được tin nhắn từ anh Phước Sang - có vai, lại là vai chính - vai tốt nghiệp của tôi lúc ở trường. Tôi mừng quá, mừng đến độ vừa cười vừa khóc. Dì tôi thấy tôi khoắc khoải đêm ngày với sân khấu cũng giả lơ cho tôi đi diễn. Chỉ đến khi tôi diễn được một thời gian, dì mới báo cho gia đình - con Nga bỏ kinh doanh lâu rồi. Đi diễn thật sự rất ít tiền, nhưng tôi lại thấy vui vô cùng. Tôi cũng rút ra rằng - dù công việc khó khăn nhưng đúng sở thích bao giờ cũng vui hơn gấp nhiều lần bị ép buộc những điều mình không ưa.
Sau vai diễn trong Lá chúc thư, tôi tham gia một số vai trong băng đĩa hài. Lúc này chỉ khán giả phía Nam biết tôi. Chỉ đến khi xuất hiện trên Gặp nhau cuối tuần, tôi mới được khán giả cả nước biết đến. Ngày tham gia Gala, tôi không hề biết đó là cuộc thi mà chỉ nghĩ là một sân chơi, càng không biết gì về giải thưởng. Khi được mời ra Hà Nội dự lễ trao giải, tôi cũng đinh ninh là trao giải nội bộ, không ngờ buổi lễ được tổ chức hoành tráng. Khi đi tôi không chuẩn bị phục trang gì, ra đến nơi, tôi càng bối rối, không biết mặc gì cho phù hợp.
Ngày trao giải, tôi đi tập cả ngày, 6-7h tối mới về được khách sạn, chỉ kịp mặc bộ quần áo mang theo từ nhà, tôi còn nhớ, đó là chiếc áo màu xanh cổ lọ. Ban Giám khảo xướng tên tôi lên nhận giải, tôi vui quá, đi lên sân khấu mà cảm thấy người lâng lâng. Lãnh giải xong, vừa quay về chỗ, chưa kịp ngồi xuống lại nghe tên mình lần thứ hai Giải nghệ sĩ hài do khán giả bình chọn. Tôi vừa bước lên, đi ngang qua các dãy ghế, thì: "Nó đi nhận giải mà mặc đồ như xiếc khỉ" (trong khi đó, khán giả xem tôi qua truyền hình sau này lại khen tôi mặc bộ quần áo xinh xắn), và nhiều tiếng xì xầm vang bên tai đại ý nghi ngờ sao tôi lại được 2 giải cùng lúc.
Tâm trạng tôi lúc đó, giờ không diễn tả được, vừa vui vừa buồn, muốn khóc mà không dám để nước mắt trào ra. Cũng chính lúc đó, tôi biết rằng - con đường nghệ thuật của mình bắt đầu sang trang rồi, bắt đầu chông gai, phải đối mặt với nhiều thứ…
Về Sài Gòn, cũng trong năm đó tôi lại nhận được giải Mai Vàng. Lời đồn dậy lên: "Thúy Nga chắc đi mua giải". Tối vẫn đi diễn bình thường, nhưng đêm về tôi cứ suy nghĩ mãi - mình may mắn hay thực tài. Họ đồn thổi đến mức tôi hoài nghi chính mình. Suốt cả năm đó, tôi hoang mang, bị áp lực đến độ không làm được việc gì ra hồn. Năm đó là năm tôi khóc cười đủ chuyện. Nổi tiếng được nhiều thứ, nhưng sao thấy khổ quá.
Rồi mọi chuyện cũng qua. Tôi luôn nghĩ giải thưởng đến với mình là động lực khuyến khích, động viên, giúp tôi có lửa để tiếp tục làm nghề, chứ tôi không bao giờ chứng tỏ, hoạnh họe ai hoặc "sân si" tính toán vị trí tên tuổi mình trong làng nghệ thuật. Quan trọng nhất với tôi: làm vừa lòng khán giả là vừa lòng mình.
Thúy Nga
(Theo Công An Nhân Dân)