Mô hình nhà máy thuỷ điện Ea Krông Rou, Ninh Hoà, Khánh Hoà. |
Tại cuộc họp hôm qua giữa EVN và nhà tài trợ và tư vấn - Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), các chuyên gia đã thống nhất đề xuất 3 địa điểm phù hợp nhất để xây dựng nhà máy thủy điện tích năng đầu tiên tại Việt Nam, là: Phù Yên Đông và Phù Yên Tây (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) và Bắc Ái (tỉnh Ninh Thuận). Mỗi dự án có công suất khoảng 1.200 MW, chi phí khoảng 700-800 triệu đôla.
3 địa điểm trên được chọn từ 38 địa điểm trên cả nước, căn cứ vào các chỉ tiêu như kinh tế nhất, rẻ nhất, di dân ít nhất, tác động môi trường ít nhất... Trong số đó, các chuyên gia đánh giá Phù Yên Đông là có chỉ tiêu kinh tế tốt hơn, và đề nghị nghiên cứu trước, phục vụ dự án tiền khả thi và dự án khả thi. Cũng theo bản quy hoạch do JICA tư vấn, dự kiến nhà máy sẽ được xây dựng vào năm 2018.
Nhu cầu sử dụng điện trong những năm gần đây đang tăng cao, đặc biệt khó khăn là chênh lệch giữa giờ cao điểm (đỉnh) và giờ thấp điểm quá lớn. Thực chất việc xây dựng các nguồn điện mới chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu của giờ cao điểm, trong khi các giờ thấp điểm lại bị lãng phí rất lớn. Đỉnh của biểu đồ phụ tải hiện nay là khoảng 19h. Sau 2008, dự kiến đỉnh này sẽ dịch chuyển sang buổi trưa.
Một thực tế khác là trong khi các nhà máy thuỷ điện có cánh dẫn tuabin, có thể điều chỉnh công suất lẫn tần số rất nhạy, thì các nhà máy nhiệt điện (hoặc điện hạt nhân) lại điều chỉnh khó khăn hơn nhiều. Vào lúc thấp điểm, nhà máy vẫn phải hoạt động, và tổn hao điện năng "vô ích".
Thủy điện tích năng ra đời sẽ giải quyết bài toán vừa thừa, vừa thiếu ở trên: tận dụng điện năng "vô ích" ở các nhà máy nhiệt điện vào giờ thấp điểm, để sản sinh điện vào giờ cao điểm.
Ông Lê Quang Minh, phó Ban Thẩm định của EVN cho biết: Khác với nhà máy thuỷ điện nằm là trên dòng sông, thuỷ điện tích năng không cần nằm trên sông. Chỉ cần có vị trí phù hợp, chẳng hạn một đoạn suối, đủ để đắp một cái đập. Phía trên đó (khoảng vài trăm mét), người ta sẽ đào một cái hồ tạo thành thuỷ điện tích năng. Hồ có thể có dung tích rất nhỏ, do vậy không tốn nhiều diện tích, không "kén" địa điểm như với nhà máy thuỷ điện. Nước theo hồ đổ xuống đường ngầm, đi qua nhà máy (thường nằm ngầm trong núi) và chảy xuống hồ nhân tạo phía dưới.
Vào lúc thấp điểm, người ta sẽ chuyển điện dư thừa từ các nhà máy nhiệt điện (hoặc điện hạt nhân) ở gần đó để bơm nước từ hồ thấp lên hồ cao của thuỷ điện tích năng. Đến giờ cao điểm, hồ tích năng sẽ xả nước để phát điện, bổ sung cho dòng điện quốc gia.
Như vậy, giữa các nhà máy điện đã hình thành một hệ thống. Chính vì lý do này mà nhà máy thuỷ điện tích năng phải được xây dựng gần nhà máy nhiệt điện, đường dây 500 kV, gần phụ tải lớn hoặc gần nhà máy điện nguyên tử. Hiện tại, cả 3 vị trí được chọn ở trên đều nằm gần đường dây 500 kV Bắc Nam, để có thể đấu vào khi cần thiết.
Một nhà máy thuỷ điện tích năng chỉ chạy 5-7 tiếng mỗi ngày vào giờ cao điểm. Do vậy dung tích hồ không cần quá lớn, giảm thiểu tác động đến môi trường xung quanh trong khi xây dựng nhà máy. Nước được đưa tuần hoàn giữa hai hồ nên ảnh hưởng không nhiều đến dòng chảy. Ngoài hai hồ chứa, tất cả công trình khác đều nằm trong lòng đất nên ít có tác động đến cảnh quan chung quanh.
Với việc đưa nhà máy thủy điện tích năng vào lưới điện quốc gia, hiệu suất sử dụng của các nhà máy nhiệt điện (hay điện hạt nhân) sẽ tăng lên, nâng cao hiệu quả của toàn bộ hệ thống.
Tuy nhiên, ông Minh cũng cho biết phải chờ đến cuối năm nay, khi EVN trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 6 (từ 2005 đến 2015, có xét triển vọng đến 2025-2030), EVN mới chính thức kiến nghị sẽ xây dựng thuỷ điện tích năng vào thời điểm nào, ở đâu là hợp lý.
Thuận An