Ngoài vết nứt toác lún sâu bên trái gần đập chính, chính quyền địa phương cùng người dân ở huyện Bắc Trà My phát hiện nhiều vết nứt, rò rỉ nước từ lòng hồ xuyên qua thân đập chính công trình thủy điện sông Tranh 2.
Hiện phần thân đập phía trái có 4 điểm nứt và rò rỉ nước khá mạnh từ khu vực lòng hồ chảy thấm qua thân đập tuôn xuống hệt như khe suối. Theo ông Trần Văn Hải, Trưởng Ban quản lý dự án thủy điện Sông Tranh 2, những vết nứt trên đều ở vị trí các khe nhiệt của khối bêtông bờ đập. Ông Hải cho rằng, hiện tượng thấm nước qua khe nhiệt bị nứt nằm trong tầm kiểm soát.
"Vết nứt rò rỉ thấm nước từ lòng hồ qua đập chính với cường độ 30 lít một giây xuất hiện từ tháng 11/2011 trong phạm vi yêu cầu thiết kế, không thể gây nguy hiểm gì", Trưởng ban quản lý dự án thủy điện Sông Tranh 2 nói.
Ông Hải khẳng định, những vết rò rỉ này không liên quan đến động đất, hiện Ban quản lý đang chỉ đạo, huy động nhân lực tập trung khắc phục. "Chúng tôi đã ký hợp đồng gói thầu trị giá hơn 100.000 USD đưa thiết bị trạm quan trắc động đất, đo nhiệt độ, độ thẩm thấu... từ Mỹ, Canada về lắp đặt hoàn thành từ trước Tết ở khu vực công trình", ông Hải nói.
Vết nứt toác lớn bên trái đập chính thủy điện Sông Tranh 2 sau những đợt dư chấn trước Tết Nhâm Thìn. Ảnh: Trí Tín. |
Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Sơn, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Bắc Trà My khẳng định, hiện tượng nứt, rò rỉ nước tại bờ đập Sông Tranh 2 gây nhiều lo lắng cho chính quyền địa phương cũng như nhân dân vùng hạ lưu công trình. Theo ông, vết nứt, mạch nước chảy ồ ạt từ lòng hồ xuyên qua thân đập chính của thủy điện là điều bất thường, nhất là sau những trận động đất liên tiếp từ trước Tết đến nay.
Sáng nay, ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết thêm, từ sau Tết Nhâm Thìn đến nay, vùng hạ lưu thủy điện Sông Tranh 2 tiếp tục xuất nhiều đợt dư chấn, tiếng nổ giống như mìn phá đá nhưng cường độ nhỏ và mặt đất rúng động thời gian ngắn hơn so với những trận động đất trước Tết.
Năm ngoái vùng lòng đất thủy điện Sông Tranh 2 liên tục phát ra nhiều tiếng nổ lớn bất thường làm rung chuyển nhà cửa, đồ đạc. Người dân và chính quyền trong vùng rất lo lắng. Viện Khoa học và công nghệ địa chất Việt Nam đã cử các đoàn công tác đến khu vực này khảo sát. Kết luận của các nhà khoa học về nguyên nhân tiếng nổ trong lòng đất là do động đất kích thích.
Theo ông Tuấn, kể từ sau kết luận của Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam nguyên nhân nổ trong lòng đất Sông Tranh do ảnh hưởng của động đất, đến nay đã cuối tháng 3 vẫn chưa thấy cơ quan chuyên môn nào hỗ trợ lắp đặt trạm quan trắc, cảnh báo động đất phòng ngừa nguy hiểm cho người dân.
Đập chính công trình thủy điện Sông Tranh 2 - nơi xuất hiện nhiều vết nứt, rò rỉ nước từ lòng hồ xuyên qua thân đập chảy mạnh từ trên cao xuống. Ảnh: Trí Tín. |
Thủy điện Sông Tranh 2 có tổng mức đầu tư 5.194 tỷ đồng, xây dựng từ tháng 3/2006 gồm hai tổ máy (tổng cộng 190MW). Cuối năm 2010 cả hai tổ máy này đều chính thức phát điện. Bờ đập chính của hồ chứa nước xây dựng nằm sát tỉnh lộ 616. Hiện dung tích hồ chứa nước của thủy điện Sông Tranh 2 thuộc hàng lớn nhất miền Trung, với khoảng 730 triệu m3 nước, được thiết kế cao hơn vùng hạ lưu khoảng 100 m.
Tháng 12/2011, Viện khoa học và công nghệ Việt Nam kết luận, khi hồ thủy điện Sông Tranh 2 tích nước, tải trọng nước hồ làm tăng áp suất nước lỗ rỗng trong các đới dập vỡ, do đó làm giảm độ bền của đất đá. Khi đới đứt gãy địa chất hoạt động trong trạng thái ứng suất tới hạn, việc giảm độ bền của đất đá dẫn tới dịch trượt làm cho động đất phát sinh gây ra những tiếng nổ, tạo dư chấn mạnh trong lòng đất. Do vậy cần theo dõi sát, lắp đặt Trạm quan trắc động đất để kịp thời phòng ngừa nguy hiểm cho người dân nơi đây. |
Trí Tín