"Sau khi hoàn tất điều tra hiện trường, Cơ quan An ninh Thụy Điển có thể kết luận rằng đã xảy ra các vụ nổ tại Nord Stream 1 và Nord Stream 2 trong vùng đặc quyền kinh tế Thụy Điển", Cơ quan An ninh Thụy Điển hôm nay cho biết.
Theo cơ quan này, hai đường ống bị hư hại nhiều. Họ đã lấy được một số vật liệu tại hiện trường và sẽ phân tích. "Bằng chứng củng cố những nghi ngờ về phá hoại tổng thể", cơ quan an ninh cho hay.
Cơ quan Công tố Thụy Điển cho biết trong một tuyên bố riêng rằng không còn áp hạn chế ở khu vực khí đốt bị rò rỉ. Giới chức Thụy Điển trước đó thông báo khu vực có bán kính 5 hải lý (khoảng 9 km) từ vị trí rò rỉ là vùng cấm tàu thuyền qua lại.
Châu Âu đang điều tra 4 vụ rò rỉ liên quan ba đường ống của hai tuyến Nord Stream dưới biển Baltic, nghi do phá hoại song từ chối nêu đích danh bên chịu trách nhiệm. Thụy Điển và Đan Mạch dẫn đầu điều tra do sự cố xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế hai nước này.
Nga bày tỏ nghi ngờ phương Tây dính líu đến sự cố và cho rằng Mỹ là bên có lợi, trong khi Mỹ phủ nhận liên quan đến vụ rò rỉ.
Các nhà điều hành Nord Stream tuần này cho biết không thể kiểm tra đoạn bị hư hỏng do chính quyền Đan Mạch và Thụy Điển áp đặt các hạn chế. Nga hôm nay nói được thông báo qua kênh ngoại giao rằng không thể tham gia cuộc điều tra. Bộ trưởng Tư pháp Thụy Điển trước đó nói với Điện Kremlin rằng không thể để nước khác tham gia điều tra.
Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod cho hay bộ của ông không yêu cầu Nga đứng ngoài cuộc điều tra, nhưng lực lượng đặc nhiệm do cảnh sát đứng đầu giữa Đan Mạch, Thụy Điển và Đức sẽ phụ trách điều tra.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố Moskva sẽ kiên quyết tiến hành "cuộc điều tra toàn diện và công khai", bao gồm các quan chức Nga và tập đoàn năng lượng Gazprom. "Không cho phép chủ sở hữu đường ống chứng kiến cuộc điều tra đồng nghĩa họ có điều gì đó cần che giấu", bà nói.
Sau sự cố rò rỉ trên các tuyến Nord Stream, các quốc gia châu Âu tăng cường an ninh và giám sát quanh hạ tầng quan trọng dễ bị tấn công. Hải quân Anh và Na Uy điều chiến hạm tới canh gác đường ống dẫn khí đốt ở Biển Bắc.
Na Uy còn triển khai binh sĩ tới gác tại các nhà máy xử lý dầu khí lớn trên đất liền, trong khi Italy tăng cường giám sát hệ thống năng lượng và cáp viễn thông dưới biển.
Tập đoàn Gazprom của Nga ngày 3/10 thông báo có thể chuyển khí đốt qua đường ống cuối cùng còn nguyên trên tuyến Nord Stream 2, song điều này cần kinh phí và thời gian phù hợp. Đức hồi tháng 2 đình chỉ dự án Nord Stream 2, vài ngày trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine. Nord Stream 2 chưa đi vào hoạt động thương mại sau khi được hoàn tất tháng 9/2021, nhưng vẫn chứa đầy khí đốt để cân bằng áp suất dưới đáy biển.
Huyền Lê (Theo Reuters, AFP)