"Chúng tôi tin tình hình an ninh châu Âu đã thay đổi căn bản từ sau ngày 24/2 và chúng tôi phải tìm cách thích ứng với thay đổi đó để có thể bảo vệ nền độc lập dài hạn", Thứ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Robert Rydberg chia sẻ bên lề buổi giao lưu với sinh viên Việt Nam tại Học viện Ngoại giao chiều nay, đề cập tới lý do Stockholm nộp đơn xin gia nhập NATO.
Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde tháng trước ký đơn xin gia nhập NATO, tuyên bố đây là quyết định có lợi nhất cho nước này trong bối cảnh Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24/2. Động thái này đã chính thức chấm dứt chính sách trung lập đã được duy trì hơn 200 năm qua của Thụy Điển.
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson trước đó cho biết chính sách không không liên minh quân sự đã phụng sự tốt cho Thụy Điển, nhưng lãnh đạo nước này kết luận đường lối trung lập không còn phù hợp trong tương lai.
"Tôi nghĩ cộng đồng quốc tế đều hiểu rằng Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO bởi đó là điều cần thiết để bảo vệ an ninh của chúng tôi ở châu Âu", ông Rydberg nói.
Tuy nhiên, trở ngại trước mắt đối với Stockholm trong lộ trình gia nhập NATO là sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara khẳng định không chấp thuận việc mở rộng của NATO, cáo buộc Thụy Điển không hành động chống lại đảng Công nhân người Kurd (PKK) cùng các tổ chức người Kurd liên quan mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.
"Chúng tôi đang có những cuộc thảo luận với Thổ Nhĩ Kỳ, nước sẽ là đồng minh tương lai. Chúng tôi gặp một số khó khăn do hiểu nhầm và thông tin sai lệch, nên giải quyết những vấn đề này rất quan trọng. Tôi tự tin rằng chúng tôi có thể làm được điều đó", ông Rydberg bày tỏ lạc quan về tiến trình đàm phán với Ankara.
Để được kết nạp vào NATO, hai nước Bắc Âu là Phần Lan và Thụy Điển sẽ phải được toàn bộ 30 thành viên hiện nay của khối, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, đồng ý. Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đến nay chưa cho thấy dấu hiệu nhượng bộ nào trong vấn đề này.
Buổi giao lưu tại Học viện Ngoại giao nằm trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Thứ trưởng Rydberg từ ngày 9/6 tới 11/6 nhằm tăng cường quan hệ song phương.
Thụy Điển là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1969. Trong 53 năm qua, Việt Nam và Thụy Điển luôn là những người bạn tốt và đối tác tin cậy. Thương mại song phương tăng trưởng ổn định, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt 1,5 tỷ USD.
Thanh Tâm