Theo đó, người dân Thụy Điển không được phép mua rượu trực tuyến từ các nước EU khác, trừ khi họ thông qua một bên thứ 3 để vận chuyển hàng hóa và đóng thuế nhập khẩu rượu. Dự kiến các quy định mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Dự luật đã được gửi đến 75 cơ quan, tổ chức ở Thụy Điển gồm các hội đồng thành phố, tòa án, cơ quan công quyền, công ty tư nhân... để lấy ý kiến. Trong đó 30 đơn vị tán thành đề xuất này, 20 không đồng ý và số còn lại chưa đưa ra ý kiến cụ thể.
Điều khá ngạc nhiên là một trong những tổ chức chống lại dự luật là Cơ quan Y tế công cộng Thụy Điển với lý do họ không thấy tính hiệu quả nào của lệnh cấm bán rượu trực tuyến với sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, dự luật khó khả thi vì sẽ đi ngược lại các quy định về tự do thương mại của EU.
Ông Ole Nielsen - Chủ tịch tổ chức kinh doanh rượu trực tuyến Thụy Điển cho rằng, không có cơ sở pháp lý nào để thực thi dự luật trong khối EU.
"Tôi rất ngạc nhiên về những điều luật này vì Liên minh châu Âu sẽ không cho phép xây dựng những dạng rào cản thương mại như vậy", ông nói.
Một vụ việc nổi cộm trước đó là bác sĩ Klas Rosengren người Thụy Điển đã khởi kiện lên tòa án châu Âu vì bị hạn chế đặt mua rượu vang từ Tây Ban Nha qua email. Kết quả vào tháng 6/2007, tòa án phán quyết Klas Rosengren và tất cả công dân Thụy Điển đều có quyền mua rượu từ một nước khác trong liên minh EU.
Hiện tại việc bán lẻ rượu tại Thụy Điển do nhà nước quản lý và phân phối độc quyền qua công ty Systembolaget AB với hơn 400 cửa hàng trên toàn quốc. Chỉ những cửa hàng này mới được phép bán đồ uống có nồng độ cồn từ 3,5% trở lên.
Kinh doanh độc quyền rượu không phải là điều gì xa lạ ở các nước Bắc Âu, như tại Phần Lan hay Na Uy nhà nước kiểm soát quá trình bán lẻ rượu. Việc đồ uống có cồn chỉ bán hạn chế tại một số cửa hàng được phép nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng bia rượu, cải thiện sức khỏe người dân về lâu dài.
Minh Trí