"Chúng tôi đang trao đổi hàng ngày với các cơ quan an ninh. Tình hình rất nghiêm trọng", Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson nói tại cuộc họp báo ngày 1/8. "Chúng tôi đang tăng cường kiểm soát an ninh trong nước, tất cả hành động chính sách đều nhằm tăng cường an ninh".
Ông cũng nói rằng chính phủ đang xem xét đạo luật trật tự công cộng để xem liệu có thể cải thiện an ninh hay không, như cho phép cảnh sát ngăn chặn đốt sách thánh ở nơi công cộng nếu gây mối đe dọa rõ ràng đối với an ninh quốc gia, Tuy nhiên, Thủ tướng Kristersson nhấn mạnh điều này "không thể thực hiện vội vàng".
"Chính phủ hoàn toàn ủng hộ tự do ngôn luận, nhưng cũng tập trung đầy đủ vào đảm bảo an ninh cho người dân Thụy Điển ở trong và ngoài nước", ông Kristersson nhấn mạnh.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Thụy Điển Gunnar Strommer cho hay những thay đổi chung và rộng rãi về tự do ngôn luận hiện chưa được bàn bạc. Những thay đổi tiềm năng về đạo luật trật tự công cộng sẽ tập trung vào vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.
Thụy Điển và nước láng giềng Đan Mạch gần đây chứng kiến loạt cuộc biểu tình liên quan đốt hoặc làm hỏng kinh Koran, khiến các nước Hồi giáo phẫn nộ, yêu cầu hai chính phủ Bắc Âu ngăn chặn hành vi này. Nhiều vụ biểu tình đốt kinh Koran, được cảnh sát Thụy Điển cấp phép theo luật tự do ngôn luận, tiếp tục diễn ra ở thủ đô Stockholm hôm 31/7.
Cơ quan Tình báo và An ninh Cảnh sát Đan Mạch (PET) tin rằng việc đốt kinh Koran dẫn đến nguy cơ bị tấn công ngày càng cao.
Mối quan hệ ngoại giao của Thụy Điển với một số quốc gia Trung Đông trở nên căng thẳng do các cuộc biểu tình liên quan hành động xúc phạm kinh Koran. Cảnh sát Thụy Điển nhấn mạnh họ chỉ cấp phép cho người tổ chức tụ họp công cộng, không phải các hoạt động diễn ra trong sự kiện đó.
Một loạt nước Trung Đông gần đây triệu phái viên Thụy Điển và Đan Mạch để phản đối. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan hôm 20/7 điện đàm với người đồng cấp Thụy Điển Tobias Billstrom, nhấn mạnh rằng việc tiếp tục "hành động xấu xa" đốt kinh Koran dưới chiêu bài tự do ngôn luận là điều không thể chấp nhận.
Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) gồm 57 quốc gia hôm 31/7 triệu tập phiên họp bất thường, lên án mạnh mẽ các vụ đốt kinh Koran. OIC sau đó ra tuyên bố kêu gọi các quốc gia thành viên thực hiện hành động thích hợp, dù là chính trị hay kinh tế, "tại những nơi kinh Koran đang bị báng bổ".
Ngoại trưởng Đan Mạch và Thụy Điển sau đó đăng trên mạng xã hội X, trước đây là Twitter, rằng họ sẽ tiếp tục đối thoại với OIC.
Huyền Lê (Theo Reuters)