"Chính phủ hoàn toàn hiểu rằng hành vi bài Hồi giáo do các cá nhân thực hiện tại những cuộc biểu tình ở Thụy Điển có thể gây khó chịu cho người Hồi giáo", Bộ Ngoại giao nước này ngày 2/7 cho biết. "Chúng tôi cực lực lên án hành động đó, chúng không phản ánh quan điểm của chính phủ Thụy Điển".
Động thái trên được đưa ra đáp lại lời kêu gọi từ Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), trụ sở tại Arab Saudi, về việc các nước cần có biện pháp để tránh hành động đốt kinh Koran lặp lại trong tương lai.
Tổ chức gồm 57 thành viên này đã họp tại trụ sở chính ở Jeddah nhằm phản ứng với sự việc xảy ra hôm 28/6, khi Salwan Momika, 37 tuổi, một công dân Iraq sống ở Thụy Điển, đã giẫm lên cuốn sách thánh của đạo Hồi và đốt cháy nhiều trang trong đó.
OIC kêu gọi các quốc gia thành viên "thực hiện những biện pháp thống nhất và tập thể" nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm kinh Koran.
"Việc đốt kinh Koran, hay bất kỳ văn bản thánh nào khác, là một hành động xúc phạm, thiếu tôn trọng và khiêu khích rõ ràng. Những biểu hiện phân biệt chủng tộc, bài ngoại hay thiếu khoan dung không có chỗ ở Thụy Điển và châu Âu", Bộ Ngoại giao Thụy Điển nhấn mạnh.
Nhưng Bộ cũng lưu ý thêm rằng Thụy Điển có "quyền tự do hội họp, biểu đạt và biểu tình được bảo vệ theo hiến pháp".
Một số nước như Iraq, Kuwait, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Morocco đã triệu đại sứ Thụy Điển để phản đối vụ đốt kinh Koran.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian hôm 2/7 cho biết nước này đã hoãn cử đại sứ mới tới Thụy Điển sau sự việc.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang phản đối Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng lên tiếng phản đối. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan gọi việc đốt sách thánh Hồi giáo là "đáng khinh".
Vấn đề người biểu tình đốt kinh Koran là một trong những lý do mà Thổ Nhĩ Kỳ nêu ra để ngăn Thụy Điển trở thành thành viên NATO.
Vũ Hoàng (Theo AFP)