Bàn thắng: Forsberg 66'
Thẻ đỏ: Lang 90'+3
Thụy Điển vắng mặt ở hai vòng chung kết World Cup gần nhất, 2010 và 2014. Họ dự giải đấu trên đất Nga với nhiều ánh mắt nghi ngờ, dù từng loại cả Hà Lan lẫn Italy trên con đường giành vé dự World Cup 2018. Ngay cả khi lách qua khe cửa hẹp để giành vé vào vòng 1/8, bằng chiến thắng 3-0 trước đội bóng có phong độ cao Mexico, thầy trò Janne Andersson vẫn bị đặt ở cửa dưới so với Thụy Sỹ.
Nhưng đại diện Bắc Âu đã chứng tỏ, không phải tự nhiên mà họ đã làm Đức thất điên bát đảo ở vòng bảng. Trước một Thụy Sỹ không quá vượt trội về lực lượng, Thụy Điển giữ lối chơi phòng ngự, kỷ luật, và chỉ tập trung tấn công đối thủ bằng những miếng đánh biên. Chính từ một pha dàn xếp như vậy, Emil Forsberg đã ghi bàn duy nhất giúp HC đồng World Cup 1994 lọt vào tứ kết.
Thành tích mà Thụy Điển đạt được càng đáng trân trọng bởi thế hệ dự World Cup 2018 của bóng đá nước này bị đánh giá thấp nhất trong vòng chục năm trở lại đây. Sau khi ngôi sao vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Thụy Điển, Zlatan Ibrahimovic, giã từ đội tuyển vào hè 2016, đất nước Bắc Âu không tìm ra một ngôi sao đủ sức thay thế. Bù lại, lối chơi tập thể được họ phát huy, và chính sức gắn kết ấy đã giúp họ vào vòng tám đội của World Cup, lần đầu tiên sau 24 năm.
Thụy Điển toàn thắng trong ba trận gần nhất tại các vòng chung kết World Cup, khi có tỷ số hòa trước giờ nghỉ, trước khi gặp Thụy Sỹ tối 3/7. Chuỗi thành tích này được nối dài nhờ bản lĩnh của đội trưởng Andreas Granqvist. Trung vệ cao 1m92 chống mọi đường bóng bổng được Thụy Sỹ tạt vào từ hai cánh. Anh có bảy lần giải nguy, nhiều nhất trận, và luôn xuất hiện ở những điểm nóng bên phần sân nhà.
Ngôi sao được kỳ vọng nhất phía Thụy Sỹ, Xherdan Shaqiri mất hút trước hàng thủ cao to của Thụy Điển. Tiền vệ của Stoke City không thể nhận bóng quanh khu vực cấm địa. Anh thường phải tạt bóng từ sớm, cách xa khung thành. Rất nhiều lần trong 90 phút, Shaqiri thử đột phá, nhưng không lần nào, cầu thủ gốc Kosovo thực hiện thành công.
Phong độ của Shaqiri trái ngược với những gì Emil Forsberg, nhạc trưởng của Thụy Điển thể hiện. Tiền vệ đang đầu quân cho Leipzig là cầu thủ đen đủi nhất vòng bảng, khi tung ra 11 pha dứt điểm nhưng không lần nào xé lưới đối thủ. Tuy nhiên, thước ngắm của cầu thủ 26 tuổi đã được cải thiện trước Thụy Sỹ. Ở lần ra chân thứ ba, số 10 của Thụy Điển đã làm tung lưới của thủ thành Yann Sommer. Nhận bóng từ cánh trái, Forsberg làm động tác giả loại bỏ hậu vệ áo đỏ, trước khi sút căng ở sát vạch 16m50. Bóng chạm chân Manuel Akanji, đổi hướng, trước khi bay vào lưới. Không cầu thủ nào phải mất nhiều cú sút như Forsberg (14 lần) để tìm bàn thắng đầu tiên tại World Cup 2018, nhưng điều đó chẳng khiến tiền vệ này bận tâm, bởi pha lập công của anh đã giúp Thụy Điển đi tiếp.
Dù kiểm soát bóng chỉ bằng một nửa đối thủ (33% so với 67%), Thụy Điển xứng đáng với chiến thắng. Họ có lối chơi rõ ràng hơn, mạch lạc hơn. Quan trọng nhất, đội bóng áo vàng có số cơ hội nguy hiểm vượt trội. Ngoài pha ghi bàn may mắn của Forsberg, Thụy Điển có thêm ba lần nữa suýt ghi bàn. Tất cả đều diễn ra trong hiệp một. Marcus Berg hai lần bỏ lỡ cơ hội, một sút ra ngoài từ cự ly hơn 10 met, và một bị thủ môn Thụy Sỹ đẩy ra trước vạch vôi. Tình huống nguy hiểm còn lại thuộc về tiền vệ Albin Ekdal. Anh lóng ngóng đệm bóng ra ngoài từ khoảng cách hơn năm met, dù không bị ai kèm.
Thụy Sỹ từng cầm hòa Brazil, dù bị dẫn trước, và ngược dòng trước Serbia, nhưng bản lĩnh ấy không được họ thể hiện tối 3/7. Sự chắc chắn của hàng thủ áo vàng không cho chủ nhà của World Cup 1954 một cơ hội thực sự nào để ghi bàn. Cuối trận, Thụy Sỹ còn bị đuổi người, do Michael Lang truy cản trái phép Martin Olsson, khi cầu thủ Thụy Điển xâm nhập vòng cấm. Ola Toivonen không thực hiện thành công quả đá phạt trực tiếp, lấy quà mừng sinh nhật. Tuy nhiên, chân sút 32 tuổi không thấy buồn bởi chiếc vé vào tứ kết giờ là của anh cùng đồng đội.
Thắng Nguyễn
Xem diễn biến chính