"Có vẻ như chúng tôi đã đưa ra quyết định tốt nhất cho đất nước vào thời điểm này", Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde nói khi ký vào đơn xin gia nhập NATO tại Stockholm hôm nay.
Bà cho biết đơn này sẽ được gửi tới Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg để bắt đầu quá trình xem xét phê duyệt.
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho rằng các nước thành viên NATO sẽ mất "không quá một năm" để phê chuẩn kết nạp Thụy Điển. Tuy nhiên, bà cũng khẳng định nước này không muốn NATO xây dựng căn cứ thường trực hay lưu trữ vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ.
Bản đánh giá chính sách an ninh được trình bày trước quốc hội Thụy Điển tuần trước đã kết luận rằng việc nước này trở thành thành viên của NATO sẽ giảm nguy cơ xung đột ở Bắc Âu.
Thủ tướng Andersson cho biết thêm chính sách không gia nhập liên minh đã phụng sự tốt cho Thụy Điển, nhưng lãnh đạo nước này kết luận đường lối trung lập không còn phù hợp trong tương lai.
Động thái này đã chính thức chấm dứt chính sách trung lập đã được duy trì hơn 200 năm qua của Thụy Điển. Trước đó, nước láng giềng Phần Lan ngày 15/5 cũng xác nhận sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO, gọi đây là quyết định mang tính lịch sử kết thúc 7 thập kỷ không liên kết kể từ sau Thế chiến II.
Quốc hội Phần Lan hôm nay cũng đã bỏ phiếu tán thành quyết định xin gia nhập NATO của các lãnh đạo, với 188 phiếu thuận và 8 phiếu chống. Phần Lan sẽ sớm ký đơn xin gia nhập chính thức để nộp lên NATO trong những ngày tới.
Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto hôm nay tới Thụy Điển trong chuyến thăm chính thức hai ngày, theo lời mời của Vua Carl XVI Gustaf và Hoàng hậu Silvia. Phát biểu trước quốc hội Thụy Điển, Tổng thống Niinisto nói "chúng tôi coi hòa bình là điều hiển nhiên, nhưng vào ngày 24/2, hòa bình đã bị phá vỡ", đề cập tới ngày Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
"Cách thức xử lý mọi việc trước đây của chúng tôi đã không còn phù hợp với tình hình mới. Quan hệ của chúng tôi với Nga đã thay đổi", ông Niinisto nói thêm.
Trong khi hầu hết các thành viên NATO đều muốn chào đón hai quốc gia Bắc Âu càng nhanh càng tốt, Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng cản trở quá trình phê chuẩn, khi nói rằng họ không thể cho phép Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên vì nhận thấy hai nước không hành động chống lại người Kurd.
Tổng thống Niinisto cho rằng tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ "gây ngạc nhiên", nhưng bày tỏ tin tưởng rằng vấn đề sẽ giải quyết được thông qua các cuộc đàm phán mang tính xây dựng.
Chia sẻ trong họp báo sau cuộc gặp, Vua Carl XVI Gustaf nói "chuyến thăm cho thấy tình hình nghiêm trọng trong khu vực xung quanh chúng tôi". Tổng thống Phần Lan thêm rằng "đường lối chính sách an ninh của chúng tôi từ lâu đã tương đồng và bây giờ, chúng tôi cùng nhau thực hiện các bước đi của mình".
Moskva đã bày tỏ giận dữ trước kịch bản NATO tiếp tục mở rộng về phía đông ngay sau khi hai nước Thụy Điển và Phần Lan bày tỏ ý định gia nhập liên minh. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/5 nói rằng việc mở rộng NATO thực sự "là một vấn đề", cho hay động thái này là vì lợi ích của Mỹ.
Ông cũng cảnh báo Nga sẽ có biện pháp phản ứng nếu NATO thiết lập cơ sở hạ tầng quân sự ở Thụy Điển và Phần Lan. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các phản ứng của Nga cũng không thể ngăn cản được hai quốc gia Bắc Âu này trở thành thành viên NATO.
Phát biểu tại một hội nghị ở Moskva hôm nay, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng việc Phần Lan và Thụy Điển tham gia NATO sẽ không tạo ra nhiều khác biệt.
"Phần Lan, Thụy Điển và nhiều nước trung lập khác những năm qua đã tham gia các cuộc tập trận quân sự của NATO. Liên minh này đã đưa các vùng lãnh thổ đó vào kế hoạch hướng đông", ông Lavrov nói. "Trong bối cảnh đó, việc hai nước gia nhập NATO hay không rõ ràng không tạo ra điều gì khác biệt".
Theo ông Lavrov, quyết định gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển là một "động thái địa chính trị" nhằm kiềm tỏa Nga và hiện thực hóa kế hoạch của NATO nhằm mở rộng hoạt động tới Bắc Cực.
"Việc các nước gia nhập NATO xuất phát từ những thay đổi trong tình hình an ninh ở châu Âu, nhưng động thái của Phần Lan và Thụy Điển không có logic, bởi họ không có gì phải lo lắng về an ninh của mình", Lavrov nói, nhấn mạnh Moskva sẽ quan sát cách NATO sử dụng lãnh thổ của hai quốc gia Bắc Âu để "đưa ra kết luận của mình".
Thanh Tâm (Theo AP)