"Sau khi Thụy Điển chính thức gia nhập NATO, hai bên đã có những hoạt động chung và tất nhiên sẽ có quân NATO hoạt động trên lãnh thổ. Điều duy nhất Stockholm không muốn là các căn cứ thường trực", Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom ngày 12/3 trả lời hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoại trưởng Billstrom cũng cho biết Thụy Điển sẵn sàng gửi lực lượng hỗ trợ các đồng minh khác. Nước này đang chuẩn bị gửi một tiểu đoàn cơ giới tới Latvia.
Trả lời câu hỏi về bất đồng xoay quanh nhu cầu triển khai vũ khí hạt nhân ở châu Âu, ông Billstrom cho hay "Stockholm không thấy lý do để vũ khí hạt nhân có chỗ đứng trên lãnh thổ của mình trong thời bình".
Ngoại trưởng Billstrom nhấn mạnh Thụy Điển gia nhập NATO mà không có điều kiện tiên quyết nào về vũ khí hạt nhân, dù hiểu vai trò của nó trong học thuyết phòng thủ và răn đe của liên minh.
Ông chỉ ra không có vũ khí hạt nhân được triển khai trên lãnh thổ bất kỳ thành viên nào sau thời Chiến tranh Lạnh, thêm rằng chỉ có ba thành viên sở hữu vũ khí hạt nhân là Mỹ, Anh, Pháp. "Nên tôi cho rằng vấn đề này phần nào bị cường điệu hóa", ông nói.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cùng ngày tái khẳng định lập trường của liên minh về vấn đề này, nhấn mạnh NATO "không có kế hoạch tăng số lượng đồng minh có vũ khí hạt nhân".
Thụy Điển chủ trương trung lập về mặt quân sự trong nhiều thập kỷ, song thay đổi lập trường sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022. Thụy Điển cùng Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022.
Nước này chính thức gia nhập NATO sau khi bàn giao văn kiện gia nhập cho Mỹ ngày 7/3, mang lại lợi thế lớn về địa chính trị cho liên minh.
Đức Trung (Theo AA)