Salwan Momika, 37 tuổi, di cư từ Iraq sang Thụy Điển vài năm trước, đã xin phép cảnh sát đốt cuốn sách thánh "để bày tỏ quan điểm về kinh Koran". Trước cuộc biểu tình, Momika cũng nói rằng muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền tự do ngôn luận.
"Đây là nền dân chủ. Nền dân chủ sẽ gặp nguy hiểm nếu họ cấm chúng tôi làm điều này", Momika nói.
Dưới sự hiện diện dày đặc của cảnh sát và khoảng chục người phản đối anh ta quát mắng bằng tiếng Arab, Momika, mặc quần màu be và áo sơ mi, phát biểu trước đám đông vài chục người qua loa phóng thanh.
Momika sau đó giẫm lên kinh Koran, đặt lên đó những dải thịt xông khói, điều bị cấm trong đạo Hồi. Anh ta đốt cháy vài trang trước khi đóng nó lại và đá đi, đồng thời vẫy cờ Thụy Điển.
Cảnh sát đã phong tỏa khu vực trong công viên cạnh nhà thờ Hồi giáo, ngăn cách Momika và một người cùng biểu tình khỏi đám đông.
Cảnh sát sau đó cho biết cuộc biểu tình không gây "rối loạn trật tự", nhưng đã mở cuộc điều tra liên quan "sự kích động chống lại một nhóm sắc tộc" vì Momika chọn đốt kinh Koran quá gần nhà thờ Hồi giáo. Anh ta cũng bị điều tra vì vi phạm lệnh cấm đốt lửa, đang được áp đặt do nắng nóng.
Noa Omran, nghệ sĩ 32 tuổi đến từ Stockholm, gọi cuộc biểu tình là "hoàn toàn điên rồ". "Đó chỉ là sự thù hận đội lốt dân chủ và tự do, thực tế không phải vậy", Omran, có mẹ là người Hồi giáo, nói.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang phản đối Thụy Điển gia nhập NATO, nhanh chóng lên tiếng phản đối. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan gọi việc đốt sách thánh Hồi giáo là "đáng khinh". Hầu hết người Thổ Nhĩ Kỳ theo đạo Hồi.
"Thật không thể chấp nhận được việc cho phép những hành động chống Hồi giáo này dưới cái cớ tự do ngôn luận. Nhắm mắt làm ngơ trước những hành động tồi tệ như vậy là đồng lõa", ông Fidan đăng Twitter.
Mỹ, nước dẫn đầu NATO, cũng chỉ trích việc đốt kinh Koran, nhưng đồng thời bày tỏ ủng hộ Thụy Điển gia nhập liên minh.
"Chúng tôi đã nói một cách nhất quán rằng việc đốt kinh sách tôn giáo là thiếu tôn trọng và gây tổn thương. Chúng tôi tiếp tục tin Thụy Điển sẽ trở thành thành viên NATO càng sớm càng tốt", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nói với phóng viên ở Washington.
Tổng thống Nga Vladimir Putin lên án việc đốt kinh Koran và cam kết sẽ bảo vệ người Hồi giáo khỏi sự thù ghét.
"Kinh Koran thiêng liêng đối với người Hồi giáo", ông Putin nói trong chuyến đi tới khu vực Dagestan của Nga có đa số người Hồi giáo hôm 28/6. "Chúng tôi biết ở các quốc gia khác, họ hành động khác, họ không tôn trọng tình cảm tôn giáo của người dân và cho rằng tấn công niềm tin tôn giáo của một người không phải tội ác".
Cảnh sát cho phép Momika hành động hai tuần sau khi một tòa phúc thẩm Thụy Điển bác bỏ quyết định của cảnh sát về từ chối cấp phép hai cuộc biểu tình đốt kinh Koran ở Stockholm. Cảnh sát khi đó viện dẫn những lo ngại về an ninh, sau khi cuộc biểu tình hồi tháng 1 dẫn đến nhiều tuần biểu tình và lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Thụy Điển.
Chính phủ Iraq ra tuyên bố lên án mạnh mẽ "các hành vi lặp đi lặp lại việc đốt các bản sao kinh Koran của những cá nhân cực đoan và rối loạn".
"Những hành động này thể hiện tinh thần thù hận và hiếu chiến, đi ngược nguyên tắc tự do ngôn luận", tuyên bố nêu. "Họ không chỉ phân biệt chủng tộc mà còn cổ vũ bạo lực và hận thù. Cần lên án những hành động vô trách nhiệm xung đột trực tiếp với giá trị tôn trọng sự đa dạng và tín ngưỡng của người khác".
Iran gọi việc đốt kinh Koran là "khiêu khích, thiếu cân nhắc và không thể chấp nhận được". Morocco cũng lên án sự việc và đã triệu hồi đại sứ của họ tại Stockholm.
"Hành động tấn công và vô trách nhiệm này đã coi thường cảm xúc của hơn một tỷ người Hồi giáo, vào thời điểm thiêng liêng của cuộc hành hương vĩ đại tới thánh địa Mecca và dịp lễ Eid al-Adha", tuyên bố của chính phủ Morocco cho hay.
Huyền Lê (Theo AFP, RT)