Công ty Thủy điện Hòa Bình được yêu cầu mở cửa xả đáy thứ 4 vào 11h hôm nay (6/8). Một ngày trước, thủy điện này đã mở cửa xả thứ ba.
Việc mở cửa xả đáy thứ tư thực hiện theo quy trình liên hồ chứa lưu vực sông Hồng. Mưa ở thượng nguồn sông Đà gia tăng, từ đêm qua đến sáng nay mưa ở Hua Trai (Sơn La) hơn 110 mm, Hà Lang (Tuyên Qunag) hơn 120 mm.
Mực nước thượng lưu hồ hòa Bình lúc 8h sáng là 107.8 m, dưới mực nước dâng bình thường khoảng 7 m, trên mực nước chết gần 28 m. Lưu lượng nước đến hồ gần 9.300 m3/s, lưu lượng vận hành phát điện và ba cửa xả gần 7.200 m3/s.
Lần gần nhất thủy điện Hòa Bình mở bốn cửa xả là ngày 24/7, một ngày sau đóng một cửa, đến ngày 29-30/7 lần lượt đóng hai cửa. Đợt xả lũ lớn nhất của thủy điện này vào tháng 10/2017 với 8 cửa xả, làm 170 tấn cá lồng bè của người dân bị chết, thiệt hại hơn 30 tỷ đồng.
Như vậy, đến trưa nay, 5 thủy điện lớn trên hệ thống sông Đà mở 14 cửa xả (7 cửa xả đáy, 7 cửa xả mặt). Trong đó thủy điện Sơn La công suất 2.400 MW với 6 tổ máy, lớn nhất Đông Nam Á, đang mở 3 cửa xả đáy; thủy điện Lai Châu công suất 1.200 MW với 3 tổ máy mở 3 cửa xả mặt; Bản Chát và Huội Quảng mỗi thủy điện mở 2 cửa xả mặt.
Ngoài ra, thủy điện Thác Bà trên sông Chảy đang mở 3 cửa xả mặt, thủy điện Tuyên Quang trên sông Lô mở 3 cửa xả đáy.
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết thủy điện Thác Bà xả lũ đã làm 49 nhà bị ngập, 30 xưởng gỗ bị ảnh hưởng. 47 ha lúa, hoa màu, 5 ao cá bị ngập, 400 con gia cầm chết. Thiệt hại vật chất khoảng 470 triệu đồng.
Sáng 6/8, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết mưa lũ gây sạt lở đất ở Hà Giang, Sơn La hôm qua khiến 3 người chết, 3 người bị thương. Gần 110 nhà bị ngập úng, đổ sập, 10 nhà phải di dời khẩn cấp.
Ngoài ra, hơn 110 ha lúa, hoa màu bị ngập; gần 2.400 gia súc, gia cầm chết; 170 điểm sạt lở trên các tuyến giao thông.