Số liệu do Cơ quan Thống kê Thụy Điển công bố hôm 18/5 cho thấy nước này ghi nhận 10.458 người chết trong tháng 4, mức cao nhất kể từ tháng 12/1993, thời điểm có nhiều đợt bùng phát dịch cúm bất thường khiến 11.057 người chết.
"Chúng tôi phải lật lại số liệu từ tháng 12/1993 mới phát hiện số người chết cao nhất trong một tháng kể từ thời điểm đó", Tomas Johansson, nhà thống kê dân số thuộc cơ quan thống kê Thụy Điển, cho hay.
Tỷ lệ tử vong trên đầu người ở Thụy Điển tháng qua là 101,1 trên 100.000 người, chỉ thấp hơn tỷ lệ 110,8 vào tháng 1/2000. Số ca tử vong cao vào tháng 12/1993 và tháng 1/2000 nhiều khả năng do các đợt bùng phát dịch cúm bất thường gây ra, đặc biệt là trong mùa cúm 1993-1994.
Trong cả năm 1993, Thụy Điển ghi nhận tổng cộng 97.008 người chết, được xem là năm "chết chóc nhất" ở Thụy Điển kể từ khi đại dịch cúm Tây Ban Nha tàn phá nước này năm 1918.
Theo dữ liệu sơ bộ, số người chết ở Thụy Điển bắt đầu giảm xuống từ cuối tháng 4, kể cả ở thủ đô Stockholm, nơi được coi là tâm dịch Covid-19 của cả nước và ghi nhận số ca tử vong cao nhất vào đầu tháng 4.
Covid-19 đã khiến hơn 30.000 người nhiễm, gần 3.700 người chết tại Thụy Điển. Cách ứng phó Covid-19 của quốc gia châu Âu này vấp phải chỉ trích ở trong nước và cả nước ngoài, khi số ca tử vong vượt xa nhiều nước láng giềng Bắc Âu, nơi áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm ngăn dịch bệnh.
Trong khi hai quốc gia láng giềng là Na Uy và Đan Mạch đã ra lệnh đóng cửa tất cả trường học và cấm tụ tập trên 10 người để ngăn Covid-19, cuộc sống ở Thụy Điển hầu như không thay đổi.
Chính phủ Thụy Điển từ chối áp các biện pháp nghiêm ngặt được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới nhằm ngăn nCoV lây lan. Người dân vẫn được phép đến quán bar, quán rượu, nhà hàng và công sở, nhưng được khuyến khích duy trì cách biệt cộng đồng. Chính phủ Thụy Điển chỉ hạn chế tập trung quá 50 người và đóng cửa trường đại học, trung học.
Giới quan sát cho rằng Thụy Điển đang theo đuổi chiến lược "miễn dịch cộng đồng", để nCoV lây lan cho ít nhất 60% dân số nhằm tạo khả năng chống chọi với dịch bệnh trong bối cảnh chưa phát triển được vaccine hay thuốc đặc trị. Các quan chức Thụy Điển tin rằng chiến lược này đang thành công, dù vẫn còn nhiều tranh cãi.
Hơn 210 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát vào tháng 12/2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc, khiến gần 4,9 triệu người nhiễm, hơn 320.000 người tử vong.
Mai Lâm (Theo AFP)