Sơ đồ các nhà máy thủy điện dày đặc trên sông Đồng Nai. |
Ngày 16/12, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) tổ chức hội thảo với sự tham dự của nhiều chuyên gia tài nguyên nước, thủy điện, đa dạng sinh học... để đánh giá tác động môi trường dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đối với Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Trong quy hoạch khai thác bậc thang thủy điện sông Đồng Nai được Thủ tướng phê duyệt năm 2002, dự kiến thủy điện Đồng Nai 6 có công suất 180MW, sản lượng điện bình quân 773,6 triệu kWh/năm, diện tích bị ngập gần 2.000 ha (trong đó 732 ha thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên, phần còn lại thuộc rừng phòng hộ 2 tỉnh Đăk Nông, Bình Phước), phải di dời 3 công trình công cộng và 33 hộ dân.
Giữa năm 2007, Tập đoàn Đức Long Gia Lai xin đầu tư dự án này. Quá trình nghiên cứu, lựa chọn phương án tối ưu đã thay đổi dự án thành công trình thủy điện 2 bậc thang mang tên Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A với tổng công suất 241 MW, tổng mức đầu tư gần 5.700 tỷ đồng, tổng sản lượng điện gần 1 tỷ kWh/năm.
Theo các chuyên gia dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ gây tác động rất lớn đến Vườn quốc gia Cát Tiên làm thay đổi hệ động thực vật của cả khu vực này.
Theo TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, ĐH Cần Thơ, cả thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đều có diện tích chiếm dụng Vườn quốc gia trên 50 ha mà theo Nghị quyết 49 năm 2010 của Quốc hội thì đối với những dự án như thế này cần phải được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, trong báo cáo không hề nêu căn cứ pháp lý quan trọng này nên chưa có cơ sở để xây dựng dự án. Ngoài ra, dự án thủy điện Đồng Nai còn được cho là "vi phạm Luật đa dạng sinh học" vì không phải phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh.
TS Tuấn cũng cho rằng diện tích rừng của Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ bị mất nhiều hơn so với đánh giá tác động môi trường do Viện Môi trường và Tài nguyên nước - ĐH Quốc gia TP HCM (ĐTM) thực hiện. ĐTM lại cho rằng khi thủy điện Đồng Nai 6A đi vào hoạt động thì mực nước sẽ dâng lên cao làm ngập khu rừng trước đây không ngập, điều này tạo cho cây rừng tiếp xúc với mặt nước, cây cối trong những vùng lân cận của vùng ngập sẽ có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt hơn so với trước đây.
"Đây là kiểu lập luận không thể chấp nhận được, bởi ở các khu rừng không ngập nước thường xuyên, cây rừng đã tồn tại hàng chục năm trong điều kiện khô hạn vào mùa nắng và chỉ nhận nguồn nước vào mùa mưa. Vì vậy khi bị ngập nước sẽ làm cây rừng bị ngộp, dễ dàng chết chứ không thể nào phát triển tốt hơn được", TS Tuấn phân tích.
Theo báo cáo phản biện của VRN, việc đề xuất di chuyển các loài sinh vật đặc hữu đến khu vực khác của ĐTM là phản khoa học, vì cho đến nay chưa ai thành công trong việc di chuyển loài đặc hữu, bởi chúng chỉ tồn tại và phát triển ở một nơi đặc biệt nào đó. Đồng thời, VQG Cát Tiên đã được chuyên gia IUCN khảo sát thực địa và đang hoàn thành hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, vì vậy việc xây dựng thủy điện Đồng Nai sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình xem xét và công nhận này.
Cũng theo VRN, danh sách 17 thành viên của đoàn tư vấn ĐTM "không có chuyên gia nào có chuyên môn về khoa học xã hội". Vì vậy ĐTM chưa đưa được thông tin đầy đủ về tác động văn hóa - xã hội của dự án đến từng nhóm người trong khu vực bị ảnh hưởng. "Nhóm tư vấn đã không phân tích và dự báo được dự án sẽ khiến cho bao nhiêu người mất nhà ở, việc làm, ảnh hưởng đến sức khỏe và an ninh lương thực của bao nhiêu người", TS Tuấn cho biết.
PGS. TS Lê Trình, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường và Phát triển phát biểu tại hội thảo ngày 16/12. Ảnh: H.C.
Ngoài ra, các chuyên gia còn nghi ngại tính khả thi của các giải pháp ứng phó với sự cố. Theo đó, dù ĐTM đã tính tới hàng loạt sự cố có thể xảy ra trong quá trình chuẩn bị, thi công và vận hành dự án như vỡ đê quai thượng hạ lưu, sự cố cháy nổ trong thi công và cháy rừng, khả năng vỡ đập Đồng Nai 6A sẽ làm ngập trên 7.000 ha ở hạ du cả 3 tỉnh, nhưng không hề có phương án khả thi được đưa ra khi thiệt hại tài sản và tính mạng đã được tính là rất lớn.
Ông Trần Văn Mùi, nguyên Giám đốc VQG Cát Tiên cho biết, đập thủy điện Sông Tranh 2 ở Quảng Nam là một bài học rất lớn cho việc đánh giá tác động môi trường của dự án thủy điện Đồng Nai nên cần hết sức thận trọng. "Chuyên gia nào nói đập sông Tranh không nguy hiểm liệu có dám đem gia đình lên đó ở thử 2-3 năm xem sao? Nói như thế thì phải chịu trách nhiệm thế nào khi xảy ra sự cố?", ông Mùi thẳng thắn.
Còn ông Lê Trình, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường và Phát triển, với hơn 20 năm kinh nghiệm đánh giá tác động môi trường cho biết, hồ thủy điện Trị An (Đồng Nai) khi nghiên cứu đánh giá ĐTM chỉ trong vòng 210 km2, nhưng sau 5 năm vùng bị ảnh hưởng đã lên đến hàng ngàn km2. Do đó, không thể nói thủy điện Đồng Nai chỉ gây ảnh hưởng trong vòng 300 ha vì tác động phát sinh sau khi có công trình là rất lớn. "Hồ thủy điện Trị An đã là một bài học vô cùng thấm thía cho chúng ta rồi", ông Trình nói.
Công Nguyên