"Đây là thời khắc lịch sử của Thụy Điển, của liên minh và của quan hệ xuyên Đại Tây Dương", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 7/3 phát biểu tại Washington, sau khi tiếp nhận văn kiện gia nhập NATO từ Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson.
Ông Blinken nhận định rằng đây là diễn biến "không ai nghĩ đến vào ba năm trước". Ông nhận định những "biến động chiến lược" nảy sinh từ cuộc chiến của Nga tại Ukraine đã dẫn đến ngày hôm nay và tạo thêm thách thức cho chính nước Nga.
"Đây là sự kết hợp vững chắc và mạnh mẽ. Thụy Điển là hình mẫu và cũng là nước thúc đẩy những giá trị cốt lõi của NATO - tự do, độc lập và pháp quyền", ông Blinken nhận định.
Thủ tướng Ulf Kristersson gọi sự kiện Thụy Điển được kết nạp làm thành viên thứ 32 của NATO là "chiến thắng của tự do" và "ngày lịch sử". Ông nói cột mốc này chứng tỏ Thụy Điển đã "đưa ra lựa chọn trong tự do, dân chủ, chủ quyền và đoàn kết" để gia nhập liên minh quân sự.
Thụy Điển chủ trương trung lập về mặt quân sự trong nhiều thập kỷ, song thay đổi lập trường sau khi chiến sự Nga - Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022. Thụy Điển cùng Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022.
Phần Lan tháng 4/2023 gia nhập NATO sau khi nhận được sự ủng hộ từ 30 nước thành viên. Trong khi đó, Thụy Điển lúc này gặp trở ngại từ Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 25/1 đã "bật đèn xanh" cho Thụy Điển. Hungary vào ngày 5/3 cũng chính thức ký duyệt nghị định thư xin gia nhập NATO của Thụy Điển, hoàn tất quá trình phê duyệt sau hơn một năm giằng co ngoại giao.
Thanh Danh (Theo Reuters, AFP)