Theo AFP, cáo buộc trên được Đài Truyền hình Quốc gia Thụy Điển (SVT) đưa ra hôm nay, khi đăng tải một số tài liệu do cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden rò rỉ.
Các tài liệu này cho thấy Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) coi Cơ quan Tình báo Thụy Điển (FRA) là "đối tác hàng đầu" trong việc theo dõi các hoạt động liên lạc viễn thông và Internet, đặc biệt là từ Nga.
Theo tập tài liệu ngày 18/4 mà SVT thu thập được, thì FRA đã cung cấp cho NSA hàng loạt thông tin tối mật liên quan đến các nhà lãnh đạo và nhiều vấn đề chính trị nội bộ của Nga.
Một tài liệu khác nhấn mạnh, FRA từng xâm nhập vào mạng lưới thông tin của Nga thông qua hệ thống dây cáp được lắp đặt ở lãnh thổ Thụy Điển.
Tài liệu có đoạn: "Cảm ơn Thụy Điển vì đã liên tục cung cấp thông tin về các mục tiêu ở Nga. FRA là đối tác hàng đầu trong hoạt động tình báo về các mục tiêu này, bao gồm các nhà lãnh đạo và hoạt động phản gián. Việc FRA tiếp cận hệ thống dây cáp của Nga là cơ sở cho những thông tin tình báo tối mật liên quan đến các lĩnh vực này".
Fredrik Wallin, người phát ngôn của FRA, từ chối xác nhận rằng Thụy Điển đã theo dõi các nhà lãnh đạo của Nga. Ông Wallin cũng nhận định, thông tin về việc Stockholm đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tình báo này đang bị "thổi phồng".
Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Karin Enstroem cũng cho rằng, không có gì đáng ngạc nhiên khi chính quyền Stockholm hợp tác với các cơ quan tình báo khác. Bà xác nhận Thụy Điển có phối hợp với các nước trong hoạt động thiết lập an ninh, nhưng không tiết lộ rõ về những đối tác này cũng như cách thức hợp tác.
Một phóng viên người Anh có tên là Duncan Campbell hồi đầu năm nay cũng tố giác Thụy Điển là "đối tác lớn nhất" của cơ quan tình báo Anh, trong nhóm các nước không sử dụng tiếng Anh.
Thùy Linh