Cũng như ở các lần công diễn trước đây, Thùy Chi tiếp tục xuất hiện trong đêm Chuyện kể những chiếc giày ở hai tiết mục: Anh em nhà Thùy Chi (biên đạo: Tạ Thùy Chi, Nguyễn Tấn Lộc) và Ngã rẽ (John Huy Trần).
Thùy Chi trên sân khấu "Chuyện kể những chiếc giày". Cô đội tóc giả để thể hiện màn múa dạo đầu và trở lại mái tóc ngắn để kể câu chuyện của chính mình. Ảnh: Ducdenthui. |
Trên nền nhạc không lời My way đầy khắc khoải do anh trai của Thùy Chi là Tạ Tôn trình diễn violon (chiếu lại qua màn hình), hai người con của NSND Tạ Bôn mang đến sự phối hợp tuyệt vời giữa âm nhạc và nghệ thuật múa. Đoạn "chat" của hai anh em được thể hiện cách điệu trên màn hình lớn trên sân khấu cho thấy hoài bão và ước mơ của những nghệ sĩ trẻ khao khát chinh phục và tự tin đi theo con đường mà mình đã chọn. So với màn biểu diễn này vào năm trước, Thùy Chi thể hiện sự quyết liệt, dữ dội hơn trong từng động tác múa và kể cả tạo hình khỏe khoắn với mái tóc ngắn. Điều vẫn giữ nguyên là cảm xúc cô chuyển tải vào bài múa do mình biên đạo, được xem là lời khẳng định chắc chắn của cô sẽ tiếp tục "học, học nữa, học mãi" bộ môn nghệ thuật vốn dành cho người dấn thân những khắt khe, gian khổ hơn là "hoa hồng".
Nghệ sĩ Tố Như điêu luyện trong bài múa "Kỷ niệm". Ảnh: Ducdenthui. |
So với dàn nghệ sĩ trong đêm diễn, Ngô Thụy Tố Như là người có tuổi nghề khá cao. Chị là "tài năng trẻ" một thời của làng múa Việt và là một trong những nghệ sĩ ballet hàng đầu của TP HCM. Xuất hiện trên sân khấu không ở độ tuổi đôi mươi như ngày nào, Tố Như vẫn mang đầy đủ hấp lực của một người nghệ sĩ đã dành trọn tình yêu của mình cho múa từ năm 5 tuổi. Vẫn vóc dáng thanh mảnh, tinh tế từng chuyển động, trong tiết mục Kỷ niệm, chị cùng các nam vũ công khiến người xem xúc động khi diễn tả tâm trạng của người nghệ sĩ múa từ giai đoạn thăng hoa nhất của sự nghiệp cho đến khi lặng lẽ ngồi bên những đôi giày đế mềm để nhớ về thời tung hoành sàn diễn.
Với kịch bản chặt chẽ, Chuyện kể những chiếc giày xâu chuỗi các màn biểu diễn giới thiệu mọi loại hình múa từ ballet, hip hop, tap dance, múa đương đại... Chất kịch trong được lồng ghép từ đầu đến cuối vở diễn giúp khán giả dễ theo dõi cũng như dễ cảm hơn bộ môn nghệ thuật không lời này. Qua đó, người xem cảm nhận được những gì người nghệ sĩ trình diễn dưới ánh đèn sân khấu rực rỡ là thành quả của một quá trình dài luyện tập khó khăn, vất vả, trong cả những lo toan đời thường, bộn bề cuộc sống... Khán giả có thể cười với cảnh nghệ sĩ múa chạy "sô" diễn nhà hàng, tiệc cưới, dạy kèm để kiếm sống trong các tiết mục Chuyện đời thường, Chuyện các chàng trai... và cũng thấy thắt lòng với bài múa Chuyện của Mén, một lời tâm sự về thân phận người đồng tính và sự khao khát được sống đúng với con người thật của mình.
Nhiều diễn viên nhí tham gia vào chương trình "Story of shoes". Ảnh: Ducdenthui. |
Chuyện kể những chiếc giày không chỉ có điểm nhấn đẹp ở âm thanh, ánh sáng và kết cấu chương trình mà còn còn làm bật một ý nghĩa giản dị: Vẻ đẹp của nghệ thuật múa không nằm ở đỉnh cao hay phong độ của một cá nhân mà ở sức mạnh của tập thể. Khán giả đã dành những tràng pháo tay không dứt cho những màn múa tập thể như: Ước, Kỷ niệm, Chuyện kể tiếp... Hình ảnh các nghệ sĩ múa kết hợp chuẩn xác với nhau trong từng cú móc, xoay, nâng bổng người, nhảy trên không... với nhiều màn khá mạo hiểm, khiến khán giả thót tim, không chỉ thể hiện sự khổ luyện mà còn cho thấy sự phối hợp ăn ý, tôn vinh lẫn nhau khi các nghệ sĩ cùng đứng chung trên một sân khấu.
Khi được hỏi vì sao năm nay Chuyện kể những chiếc giày không đổi mới, thay đổi kịch bản, biên đạo Tấn Lộc, người dàn dựng chương trình, bày tỏ: "Tôi nghĩ, cái mới hay cũ không phải là vấn đề ở đây. Nếu cứ muốn có cái mới mà làm không tới, không đạt, không hay thì một câu chuyện cũ được làm tốt vẫn không quý hơn sao?". Biên đạo này cũng chia sẻ, hai đêm diễn 2-3/8, rất đông khán giả đã bỏ tiền mua vé ủng hộ chương trình. Nhiều người nước ngoài cũng có mặt để ủng hộ chương trình, và có người xem Story of shoes vài lần nhưng vẫn giữ nguyên cảm xúc với đêm diễn.
Không có những tham vọng to tát như "làm sáng hơn khuôn mặt của làng múa Việt Nam", biên đạo Tấn Lộc chia sẻ, với anh và những nghệ sĩ tham gia, Chuyện kể những chiếc giày là dịp để kể lại những câu chuyện của chính mình, để tìm đến sẻ chia, yêu thương.
"Làm nghệ thuật hiện nay, nghệ sĩ vấp phải muôn vàn khó khăn. Như trong đêm diễn, ban tổ chức đã quy định rõ ràng về việc sử dụng các thiết bị điện thoại, máy ảnh... nhưng từ hàng ghế khán giả, tiếng máy chụp hình vẫn bật tanh tách làm người xem mất tập trung", Tấn Lộc nói.
Thoại Hà