Ảnh: corbis. |
Để đánh giá ảnh hưởng của việc chuyển chỗ làm tới thu nhập của người lao động, nhà xã hội học Sylvia Fuller từ Đại học British Columbia (Canada) đã kiểm tra dữ liệu từ Cuộc khảo sát giới trẻ quốc gia năm 1979, trên gần 6.000 nhân viên trong 12 năm làm việc đầu tiên của họ.
Nghiên cứu tìm thấy những người thường xuyên chuyển việc cuối cùng lại có thu nhập thấp hơn bạn bè cùng lứa có việc làm ổn định hơn.
"30 năm qua đã chứng kiến sự xói mòn các loại công việc dài hạn và người trẻ đang có xu hướng chuyển sang người chủ mới trong nghề của mình. Tuy nhiên, nghiên cứu này đã chứng tỏ những động thái đổi nghề có thể không mang lại thu nhập cao hơn", Fuller nói.
Fuller cho biết nhảy việc có thể mang lại lương cao hơn, nhưng chủ yếu trong những năm đầu. Còn về tổng thể, thu nhập sẽ giảm xuống khi tính biến động tăng lên.
Một lý do của việc thu nhập thấp trong nhóm người hay nhảy việc là sự thất bại của họ trong việc nắm giữ các chức vụ đáng giá, thường có được sau 5 năm gắn bó với công ty. Trong 5 năm đầu tiên của công việc, mỗi năm có chức vụ sẽ đi kèm với việc tăng khoảng 2,4% lương cho đàn ông và 2,9% cho phụ nữ. Tuy nhiên, sau 5 năm, thu nhập của phụ nữ từ chức vụ thường chững lại, và đàn ông bắt đầu suy giảm.
Fuller cũng tìm thấy những người hay nhảy chỗ làm thì có nhiều thời gian trống việc hơn, và tỷ lệ lớn đổi việc là kết quả của sự nhàn rỗi này.
Sau cùng, đàn ông bị sa thải hoặc thôi việc thường xuyên hơn phụ nữ. Bất kể sự khác biệt về giới tính, những lý do dẫn đến đổi việc - tự xin thôi, bị đuổi hoặc đi vì lý do gia đình - đều là nguyên nhân khiến thu nhập thấp hơn do dẫn đến những khoảng thời gian trống việc.
T. An (theo Newswise)