Tại phiên làm việc sáng 17/2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã đề nghị Quốc hội cho phép lùi dự án Luật biểu tình từ kỳ họp cuối của Quốc hội khóa 13 (tháng 3/2016) sang chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 (cuối năm 2016).
Theo Bộ trưởng Tư pháp, tại phiên họp thường kỳ tháng 1/2016, Chính phủ đã thảo luận về xây dựng dự luật trên nhưng ý kiến các thành viên Chính phủ còn rất khác nhau. Vì vậy, để có thêm thời gian nghiên cứu, chỉnh lý Luật biểu tình đảm bảo chất lượng, Chính phủ đề nghị xin lùi thời gian trình dự luật này.
Chủ tọa phiên làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu dự Luật biểu tình đã lùi từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11, bây giờ lùi vào thời điểm khác, nhưng không ấn định là khi nào.
"Tại sao cứ xin lùi? Chính phủ ý kiến thế nào, không làm được hay không chịu làm? Quốc hội đã quyết định đưa vào chương trình rồi sao Chính phủ cứ lùi mãi", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận dự Luật biểu tình đúng lùi đi lùi lại từ nhiều năm. Nhắc lại theo nghị quyết Quốc hội tháng 6/2015 phải đưa Luật biểu tình vào chương trình, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì. Sau khi lùi dần đến tháng giêng vừa rồi, Bộ Công an đã trình ra và lấy ý kiến các thành viên Chính phủ.
Tuy nhiên, sự phân tán trong các thành viên Chính phủ rất lớn, ví dụ có cho người nước ngoài đề xuất biểu tình không; người Việt Nam tổ chức biểu tình nhưng người nước ngoài có được tham gia không? Do chưa chín muồi nên Thủ tướng kết luận báo cáo Thường vụ Quốc hội xin lùi.
Không đồng tình với giải trình trên, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Nguyễn Văn Hiện bày tỏ mong muốn đảm bảo đúng thời hạn trình dự án luật này. Biểu tình là quyền cơ bản của công dân từ năm 1945. “Quốc hội thống nhất kỳ họp thứ 11 sẽ cho ý kiến nhưng đến giờ Chính phủ nói xin lùi không biết đến bao giờ, lùi vô thời hạn. Chúng ta không thể để cho đối tượng xấu lợi dụng nói xấu chúng ta được. Vì biểu tình liên quan đến vấn đề dân chủ, lùi thế này là không tốt về mặt chính trị”, lãnh đạo Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng, biểu tình là quyền tự do công dân được Hiến pháp quy định và là nội dung được luật hóa cuối cùng nên hết sức quan trọng. Qua nghiên cứu thẩm tra dự thảo luật biểu tình của Bộ Công an gửi sang, ông thấy rất công phu và có thể trình ra được. “Không có gì phức tạp, chỉ có ý kiến của Bộ Quốc phòng là để lúc nào an ninh ổn định thì làm. Chúng ta làm bây giờ là để đảm bảo ổn định an ninh, an toàn xã hội, mà lại bảo ổn định mới làm là không hợp lý”, ông Khoa nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, thời gian cho ý kiến để thông qua Luật biểu tình Quốc hội đã thống nhất, giờ lùi thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Trình ra Thường vụ Quốc hội, nếu Thường vụ thấy không đủ chất lượng thì có thể quyết định không trình ra xin ý kiến Quốc hội. Nhưng không trình ra Thường vụ mà lại xin lùi là không nghiêm túc.
Chốt nội dung làm việc, Phó chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng, dự án Luật biểu tình là nội dung quan trọng của Hiến pháp, được Quốc hội đưa vào chương trình nhiều lần. Chính vì vậy tháng 6/2015, Quốc hội có nghị quyết số 89 quyết định cho ý kiến vào dự luật tại kỳ họp thứ 11 diễn ra vào tháng 3/2016. Qua thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng An ninh thấy được, vì vậy Bộ Tư pháp cần báo cáo Chính phủ để trình ra vào kỳ họp thứ 11.
"Ngay sau khi thành lập nước, năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sắc lệnh ban hành Luật biểu tình nhưng một thời gian chúng ta chưa đủ điều kiện để thực hiện, do vậy bây giờ cần sớm để ban hành", Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Võ Hải